Thứ Năm, 3 tháng 12, 2009

Người thầy hóa giải những điều “tưởng như không thể…”

(Dân trí) - 10 năm nay, thầy Nguyễn Duy Quy không ngừng nghĩ cách làm ra những đồ dùng học tập thuận tiện hơn cho những học trò đặc biệt của mình: những học trò khiếm thị.

“Tôi đặt mình vào hoàn cảnh của các em, đặt mình trong những khó khăn của các em khi theo học môn Toán ở nhà trường phổ thông mày mò chế ra những đồ dùng phụ trợ cho các em hình dung và nắm bắt Toán học bằng cảm nhận của đôi bàn tay và trí nhớ” - thầy Nguyễn Duy Quy, giáo viên bộ môn Toán, phụ trách tổ “hòa nhập” trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (Đà Nẵng) cho biết.

Liên tục sáng tạo những đồ dùng học tập đặc biệt

10 năm, thầy Quy nhớ lại những ngày đầu về ngôi trường đặc biệt với những học sinh đặc biệt, thầy thật lòng tâm sự: “Từ Quảng Nam chuyển công tác về Đà Nẵng, tôi hoàn toàn bất ngờ và cả lúng túng nữa khi được phân bổ về trường. Trước đó, tôi chưa từng có kinh nghiệm giảng dạy học sinh khiếm thị, chưa từng có kinh nghiệm truyền đạt kiến thức cho những học trò đặc biệt. Môn đại số còn có thể nhẫn nại truyền miệng được nhưng trong Toán học còn có hình học. Không biết làm sao để các em hình dung ra những hình vuông, hình tròn, những góc, những đỉnh…, tôi cứ day dứt. Rồi chính các em chứ không ai khác đã dạy tôi học chữ nổi, cách tiếp cận tri thức của những người chẳng may không được nhìn thấy ánh sáng. Cũng chính niềm khao khát được học chữ của các em đã thôi thúc tôi phải làm một điều gì đó giúp các em và cả giúp tôi trong việc truyền đạt kiến thức”.

Vậy là những đồ dùng học tập dành cho học sinh khiếm thị được ra đời dưới bàn tay của người thầy “tận tuỵ sáng tạo vì học trò” như lời thạc sĩ Lê Thị Tuyết Mai, hiệu trưởng trường phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu, nói về thầy Nguyễn Duy Quy.

Người thầy “tận tuỵ sáng tạo vì học trò”.

Truyền đạt cho học sinh khiếm thị những khái niệm mới trong tất cả các môn học là việc chẳng dễ dàng. Giáo viên phải truyền đạt chậm rãi, minh hoạ cụ thể, trực tiếp, nhất là trong những giờ Toán có vẽ hình minh hoạ, các công thức, những định lý, định nghĩa. Để các em tiếp thu được môn hình học, thầy chẳng thể nói suông, cũng chẳng thể cầm phấn vạch hình trên bảng như khi dạy học sinh bình thường, mà phải có đồ dùng học tập đặc biệt hỗ trợ. Trong khi, bấy giờ, các thiết bị sản xuất dành cho học sinh khiếm thị rất khan hiếm, giáo viên chỉ còn cách tìm cách làm lấy và cải tiến dần chức năng của các đồ dùng học tập qua kinh nghiệm truyền đạt kiến thức đến học trò.

“Ban đầu, để đảm bảo chất lượng cho các tiết dạy có những hình ảnh để minh họa, tôi đã phải tốn rất nhiều thời gian chuẩn bị các hình vẽ. Cứ mỗi hình vẽ trên giấy bìa cứng bằng bảng lưới hoặc bảng braille (bảng chữ nổi) mất từ 3 - 5 phút, và chỉ dùng được một lần” - thầy Nguyễn Duy Quy cho biết.

Trong quá trình giảng dạy, để tiết kiệm thời gian và nguyên liệu, thầy Quy đã cố gắng để làm ra nhiều đồ dùng dạy học như hình tam giác đa năng, tứ giác đa năng, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học nhằm giúp các em dễ nắm bắt kiến thức và phần nào đỡ vất vả cho giáo viên. Nhưng những dụng cụ này cũng chỉ sử dụng được trong một chương, sang chương khác lại phải làm mới hoàn toàn. Mất hơn hai tháng mày mò, thử nghiệm, thầy Quy đã chế tạo ra Bảng từ dạy học môn Toán. Xuất phát từ đặc thù của học sinh khiếm thị, tất cả các mô hình phải cố định (dù là một cách tương đối) để tạo cho các em thói quen tiếp nhận. Từ đó, thầy Quy nảy ra ý định dùng tính chất của nam châm để giữ ổn định các hình khối. Nhưng thầy vẫn trăn trở khi nhìn học trò vất vả làm bài tập hình học.

“Có bảng từ rồi, việc truyền đạt kiến thức của giáo viên đến học sinh thuận tiện, dễ dàng hơn, nhưng các em học sinh không vì thế mà bớt vất vả. Bảng từ chỉ có tác dụng để dạy - học lý thuyết, minh họa các định nghĩa, định lý còn khi làm bài tập, học sinh nhất định phải vẽ hình vào vở. Trong khi vẽ hình trên bảng braille nên chỉ vẽ được những đường thẳng, đường ngang còn hình tròn thì “chịu”. Mà cũng chỉ vẽ được hình tam giác, hình vuông… chứ hình thoi thì rất mất thời gian” - thầy Quy kể.

Thầy lại miệt mài nghĩ cách cải tiến bảng từ sao cho cả thầy và trò đều linh động dùng được. Và bảng lưới từ hình thành từ cuối năm ngoái sau hai năm thầy “thử đủ cách”.

Từ bảng từ với các hình học đính cố định ban đầu, thầy Quy đã sáng chế thêm bảng lưới và các dụng cụ lắp ghép, vẽ hình môn Toán, giúp học sinh tiết kiệm được thời gian vẽ hình, nhất là các hình tròn. Để có được dụng cụ vẽ hình tròn này, lúc đầu, thầy Quy dùng hai thanh gỗ kẹp lại - có đục lỗ thủng để học sinh dùng bút kim loại dùi vào giấy - mô phỏng theo kiểu com-pa. Thế nhưng, vì làm bằng gỗ nên chỉ cần học sinh “dùi” một thời gian ngắn, các lỗ đục sẽ to dần ra, không thể định vị được, thầy Quy lại nghĩ cách thay đổi, chuyển sang dùng inox rồi dùng nhựa để “vừa nhẹ mà các em sử dụng cũng an toàn”.

Công phu hơn cả là bộ hình mẫu cho các em. “Lúc đầu mới làm quen với môn hình học, tôi yêu cầu học sinh tự vẽ lấy để các em quen thao tác. Nhưng khi đã quen rồi, thì nhất định phải có dụng cụ hỗ trợ để các em tiết kiệm được thời gian vẽ hình để còn làm bài tập, nhất là trong thi cử. Chính vì vậy, tôi làm sẵn cho các em bộ hình mẫu”.

Làm hình thì nhanh, nhưng công phu nhất là đục chữ nỗi để dán ở hình mẫu. Hình được làm bằng giấy đề can, dán vào miếng nhựa rồi đục chữ, bọc lại để học sinh có thể sờ được chữ nổi. “Nhờ những dụng cụ này, học sinh của mình hứng thú hơn trong học tập, tạo cho các em niềm say mê với bộ môn”, thầy Quy phấn khởi nói.

Phần thưởng lớn nhất

Nhờ những đồ dùng học tập do thầy Quy sáng tạo nên, nhiều học trò đã tự tin đi học “hòa nhập” ở các trường THCS và PTTH bình thường và mang về những thành tích học tập đáng nể như em Võ Văn Nhựt, học sinh lớp 9, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhiều năm liền là học sinh giỏi.

Nhựt tâm sự: “Nhờ thầy tận tuỵ mà bọn em có được những đồ dùng học tập quý báu này làm hành trang đến trường học hòa nhập với những bạn học bình thường. Có trải qua cảm giác “bất lực” khi tiếp cận môn hình học mà không thể hình dung ra nó mới hiểu cảm giác quý báu của bọn em với những đồ dùng của thầy. Nhờ những đồ dùng ấy, kiến thức hình học của bọn em đã được khai sáng”.

Nụ cười của những học trò đặc biệt khi vỡ lẽ ra và hình dung những khái niệm Toán học là phần thưởng lớn nhất với thầy Quy.

Với những dụng cụ học tập sáng tạo dành cho hoc sinh khiếm thị, thầy Nguyễn Duy Quy đã nhận được nhiều giải thưởng cao trong các Hội thi sáng tạo đồ dùng học tập dành cho học sinh mà gần đây nhất là giải nhì toàn quốc năm 2008 với bộ sách giáo khoa môn Toán học bằng chữ nổi và bảng lưới từ hỗ trợ học sinh khiếm thị. Nhưng với thầy, phần thưởng lớn nhất chính là nụ cười của học trò khi các em “vỡ lẽ” ra một khái niệm Toán học, giải quyết gọn gàng một bài tập Toán hình tưởng chừng như không thể với một học sinh khiếm thị…

Trao tặng chức danh cho hơn 700 giáo sư, phó giáo sư

(Dân trí) - Sáng nay 20/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội, Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đã trao giấy chứng nhận cho 65 giáo sư và 641 phó giáo sư năm 2009.
Đây thành quả phấn đấu không ngừng của các thầy cô giáo góp phần không nhỏ vào việc đào tạo thế hệ trẻ.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân
trao giấy chứng nhận cho các giáo sư

Trong số ứng viên xét đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, người trẻ nhất là GS Võ Văn Hoàng, 45 tuổi, ngành Vật lý, trường ĐH Bách khoa - ĐH QG TPHCM và người cao tuổi nhất là GS Lê Hồng Kế, 69 tuổi, ngành Kiến trúc, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.

Người được phong hàm chức danh Phó giáo sư trẻ nhất là Bùi Thế Duy, 31 tuổi, ngành Tin học, trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, người cao tuổi nhất là Phó Giáo sư Lương Kim Chung, 71 tuổi, ngành Thể dục - Thể thao.

Trong đợt xét năm nay có 3 ứng viên là người Việt Nam ở nước ngoài, đó là nhà giáo Vũ Hà Văn, 39 tuổi, được bổ nhiệm chức danh Giáo sư Toán học ở ĐH Rutgers, Mỹ và nhà giáo Thái Duy Bảo, 48 tuổi, đã được bổ nhiệm chức danh PGS ngành Ngôn ngữ ở ĐH Nagoya, Nhật Bản cũng đăng ký xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS của Việt Nam. Ngoài ra, còn có nhà giáo, bác sĩ Trần Hải Anh, 39 tuổi, đã được bổ nhiệm Phó Giáo sư ngành Y học ở ĐH Toyama của Nhật Bản đã đăng ký để được xét bổ nhiệm chức danh PGS ở Học viện Quân y của Việt Nam.

Vinh dự là người trẻ nhất được phong tặng Phó Giáo sư, giảng viên Bùi Thế Duy cho biết: “Tôi rất vui khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu này. Đây cũng là trách nhiệm lớn đối với người giảng viên trẻ như tôi trong công tác giảng dạy”.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: “Các GS, PGS là tinh hoa trí tuệ, văn hóa của Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho đất nước. Khi được Nhà nước công nhận thì trách nhiệm của các thầy cô lại nặng nề hơn, cần tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa trong sự nghiệp giáo dục như đào tạo ra các Tiến sĩ vì hiện nay 100 giảng viên mới có 1 Tiến sĩ, quá ít so với đòi hỏi của thực tế”.

Cũng theo Bộ trưởng Nhân cũng cho biết, từ năm 1980 đến nay tổng cộng đã phong, công nhận 1.336 GS và 7.062 PGS.

Theo Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước cho biết: “Đợt xét năm 2009 là đợt xét dồn của 2 năm 2008 - 2009. Tổng số hồ sơ đăng ký đề nghị công nhận là 1.176 hồ sơ, trong đó có 164 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư và 1.003 hồ sơ xin xét đạt tiêu chuẩn chức danh Phó giáo sư. Hội đồng đã xét và phong tặng 65 giáo sư và 641 phó giáo sư.

Trong 65 giáo sư thì có 57 nhà giáo thuộc biên chế của các trường học và các học viện, 8 nhà giáo thuộc viện nghiên cứu. Trong số 641 Phó Giáo sư được phong tặng thì có 572 nhà giáo thuộc biên chế của các trường đại học, học viện”.

Tệ nạn “ẩn mình” trong làng đại học

(Dân trí) - “Tuy sống ở ngay khu vực toàn sinh viên nhưng em luôn cảm thấy bất an, nhất là vào buổi tối ra đường là thấy lo, bữa trước em vô tình va chạm xe với một người nhìn dữ lắm, dù đã xin lỗi hết lời nhưng em vẫn bị tát và đá mấy cái…”.

Tâm sự của một sinh viên của trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn cũng là lo lắng của hàng ngàn sinh viên sống tại làng ĐH Thủ Đức.

Loạn hung khí

Nằm giáp ranh giữa TPHCM và Bình Dương, làng ĐH Thủ Đức với hơn 25.000 sinh viên (có cả sinh viên nước ngoài) đang học tập và cư trú, chịu sự quản lý của cả Công an quận Thủ Đức và Công an xã Đông Hòa (huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương).

Chỉ cách nhau có một con đường nhỏ, nhưng tình trạng trường đóng ở Bình Dương trong khi KTX lại nằm trên phần đất TP.HCM xảy ra khá phổ biến. Thực tế này ít nhiều đã tạo ra một tình trạng nhập nhằng, phức tạp đối với khâu quản lý, khiến làng ĐH trở nên rất nhạy cảm về an ninh trật tự

Nắm bắt được những yếu tố đó không ít tên côn đồ, tội phạm chọn làng ĐH để làm nơi “ẩn” mình.

Gần đây nhất, lực lượng dân phòng cùng công an xã Đông Hòa đã bám theo nguồn tin quần chúng báo để theo dõi, ập vào kiểm tra hành chính bắt quả tang tại 2 căn phòng trọ nằm trong khu đời sống sinh viên do 7 đối tượng thuê. Qua kiểm tra lực lượng này phát hiện 28 viên đạn đầu nhọn, loại dùng cho súng bắn tỉa, 4 mã tấu tự chế, 1 kiếm và nhiều ống tuýp sắt được giấu trong phòng.

Hai căn phòng trọ nơi công an phát hiện 28 viên đạn và nhiều hung khí khác.

Nhận thấy đây là một vụ án liên quan đến nhiều mặt, các đối tượng rất manh động nên Công an xã Đông Hòa đã báo cáo nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ. Ngay trong đêm, lực lượng cảnh sát 113 đã tiến hành niêm phong các loại hung khí này và đưa 7 người có liên quan về trụ sở Công an huyện Dĩ An để điều tra làm rõ.

Theo một nguồn tin, trước khi bị đưa về trụ sở công an huyện để phục vụ công tác điều tra, nhóm người này đã gây ra hàng loạt vụ đánh nhau, trấn lột gây náo loạn, hoang mang cho hàng ngàn sinh viên đang sinh sống và học tập nơi đây. Cụ thể nhóm này đã gây sự đánh nhau với anh Tý - một người dân sống ở khu vực này. Vừa xảy ra mâu thuẫn nhỏ, anh Tý liền bị các đối tượng dằn mặt “chờ tao 5 phút!”. Quả nhiên chưa đến 5 phút, hai đối tượng quay lại lăm lăm tuýp sắt, mã tấu trên tay truy sát anh Tý. Khi lực lượng dân phòng đi tuần bắt gặp thì hai tên côn đồ bỏ chạy vào một con hẻm mất dạng.

Một thực tế đáng nói tại làng ĐH là đây không phải là lần đầu tiên lực lượng công an phát hiện hung khí trong các phòng trọ sinh viên. Còn khá nhiều hung khí vẫn đang tiềm ẩn được cất giấu khá kín, khi xảy ra chuyện thì hàng loạt hung khí có khả năng gây sát thương cao như mã tấu, dao, kiếm tự chế, tuýt sắt, nhị khúc… được mang ra sử dụng.

Các loại hung khí được phát hiện ở nhiều vụ cướp, trấn lột tài sản xảy ra tại khu vực sinh viên đang là vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lí.

Một sinh viên của trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn tâm sự: “Tuy sống ở ngay khu vực toàn sinh viên nhưng em luôn cảm thấy bất an, nhất là vào buổi tối ra đường là thấy lo, bữa trước em vô tình va chạm xe với một người nhìn dữ lắm, dù đã xin lỗi hết lời nhưng em vẫn bị tát và đá mấy cái. Còn đồ đạc hở ra là không cánh mà bay…”.

Nhiều tệ nạn

Một số dân phòng ấp Tân Lập (xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) trực tiếp theo dõi và tham gia bắt các đối tượng này cất giấu đạn và hung khí cho biết, nhóm này gồm 9 thanh niên, khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra thì 2 đối tượng đã nhảy lên xe máy tầu thoát, do lực lượng mỏng (chỉ có 4 người) nên không thể truy đuổi hai đối tượng bỏ chạy.

Trước khi bị đưa về trụ sở công an huyện để điều tra làm rõ, nhóm đối tượng này từng gây sự rất nhiều lần. Lần gần đây nhất, nhóm người này hành hung một sinh viên tên T., khi T. vô tình bước qua của phòng đã bị một người trong nhóm này bắt đóng “lệ phí” 20.000 đồng, sau khi cầm tiền một tên khác đã dùng chiếc ghế tre đập vào đầu và mặt T. khiến sinh viên này bị nhiều thương tích trên người.

Chỉ vì bước qua hàng rào đi ngang phòng mà một sinh viên bị phạt 20.000 đồng, sau đó còn bị đập ghế vào đầu.

Hay một lần khác, khi nhận được tin quần chúng báo có đánh nhau ở khu vực bến xe buýt, nhưng khi thấy bóng dáng của lực lượng dân phòng, công an xã đến nơi thì nhiều đối tượng đã bỏ chạy vào khu đời sống sinh viên. “Điều kì lạ là khi chúng tôi truy đuổi đến khu vực phòng trọ của sinh viên ở thì những tên này cũng mất dạng” - một dân phòng cho hay.

Trong một lần các đối tượng này “nổi hứng” mang mã tấu, kiếm, tuýp sắt ra giỡn với nhau thì bị phát hiện, từ đó lực lượng dân phòng khu vực ấp Tân Lập đã âm thầm theo dõi hàng động của bọn chúng. Khi đủ bằng chứng họ đã báo cơ quan cấp trên đủ thẩm quyền đến kiểm tra và thu giữ hung khí được cất giấu trong phòng.

Không chỉ dừng lại trong việc cất giấu mà các đối tượng còn sử dụng các loại hung khí này vào việc cướp giật, khi có mâu thuẫn xảy ra thì sẵn sàng thanh toán đối thủ không thương tiếc.

Ngoài ra nạn trộm cắp hoành hành cũng đáng báo động tại đây, nhiều thủ đoạn được các đối tượng áp dụng. Sau khi “ăn hàng”, các đối tượng này thường mang đến những nơi công cộng để gửi nhằm đánh lạc hướng công an.

Anh H., dân phòng ấp Tân Lập kể lại: “Cách đây khoảng 1 tuần, chúng tôi lần theo tên ăn trộm xe máy. Sau khi trộm xe của một sinh viên, hắn đã mang xe vào gửi tại bãi xe trường ĐH Khoa học Tự Nhiên. Phải theo dõi 2 ngày chúng tôi mới bắt quả tang khi đối tượng này đến lấy xe để mang đi tiêu thụ, kiểm tra trên người thì hai đối tượng đều giấu dao nếu gặp ai truy cản bọn chúng sẵn sàng chống cự lại”.

Trong một thời gian dài, Công an quận Thủ Đức, TPHCM và Công an xã Đông Hòa, huyện Dĩ An đã tìm nhiều biện pháp để dẹp bỏ tình trạng tệ nạn và lành mạnh hóa tình hình an ninh trật tự ở khu vực này. Tuy nhiên, Làng ĐH vẫn được nhắc đến như một điểm nóng của tệ nạn.

Hiệu trưởng không đứng lớp vẫn hưởng phụ cấp ưu đãi

(Dân trí) - Sai phạm về công tác quản lý của Ban giám hiệu trường THCS Tân Tiến vừa được đoàn thanh tra phòng giáo dục Huyện Gia Lộc xác minh làm rõ. Không những thế, quá trình thanh tra còn phát hiện, Hiệu trưởng không thực hiện chế độ dạy nhưng vẫn hưởng phụ cấp.
Vụ việc này xuất phát từ việc cô giáo Nguyễn Thị Thủy, giáo viên trường THCS Tân Tiến đã gửi đơn tố cáo những vấn đề “chướng tai gai mắt" của Ban giám hiệu nhà trường lên Phòng giáo dục huyện Gia Lộc.

Kết luận thanh tra Phòng giáo dục và đơn khiếu nại của cô giáo

Nguyễn Thị Thủy


Nhiều bất ổn ở trường THCS Tân Tiến

Theo kết luận của thanh tra của Phòng giáo dục huyện Gia Lộc ngày 16/7/2009 thì ông Đặng Văn Nhân (Hiệu trưởng) và lãnh đạo trường THCS Tân Tiến đã mắc nhiều sai phạm trong công tác quản lý biên chế-con người, cơ sở vật chất, chuyên môn, thi đua khen thưởng, chế độ chính sách.

Thực hiện sai quy định như thực hiện quy trình thành lập Hội đồng thi đua, vi phạm quyền dân chủ của giáo viên. Thiếu tinh thần trách nhiệm nên đã để tình trạng không có nước uống cho học sinh và giáo viên trong thời gian dài, chưa bố trí đủ định mức lao động cho giáo viên…

Tôi nghĩ nội bộ trường THCS Tân Tiến đang có vấn đề. Để giải quyết triệt để thì chỉ còn cách Ban giám hiệu nhà trường và cô Thủy cần ngồi lại với nhau”, ông Đỗ Quang Toàn-Trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lộc

Riêng vấn đề không thực hiện giảng dạy nhưng vẫn hưởng trợ cấp ưu đãi thì sau khi xác minh cho thấy, ông Đặng Văn Nhân không dạy từ ngày 22/8/2008-20/10/2008 nhưng vẫn nhận số tiền phụ cấp ưu đãi gần 1,3 triệu đồng…

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Quang Toàn, trưởng phòng giáo dục huyện Gia Lộc cho biết: “ Mặc dù cô giáo Nguyễn Thị Thủy tố cáo có nhiều nội dung đúng. Tuy nhiên cũng còn có một số nội dung chưa đúng hoặc chưa đủ cơ sở kết luận”

“Những nội dung tố cáo sai và nội dung không đủ cơ sở kết luận, đều là những nội dung do cô Thủy suy diễn từ câu nói này hay người khác hoặc từ một từ sự việc nào đó nhưng chưa được kiểm chứng trước khi tố cáo”, ông Toàn cho biết thêm.

Sau khi nhận được kết luận của đoàn Thanh tra, cô giáo Nguyễn Thị Thủy bức xúc cho biết: “Kết luận thanh tra chưa đủ tính thuyết phục, nhiều vấn đề trong yêu cầu xác minh chưa được làm sáng tỏ. Không những thế, trong quá trình thanh tra lại không tiếp xúc với các giáo viên liên quan mà chỉ làm việc với Ban giám hiệu nên chưa đảm bảo tính khách quan”

Minh chứng về đề này cô Thủy cho hay, trong thời gian tôi nghỉ ốm, đồng chí Phó hiệu trưởng dạy tiếng Anh cho cả trường, do yêu cầu công việc phải dồn giờ để dạy cho học sinh nên chất lượng rất thấp ảnh hưởng đến quyền lợi học tập của học sinh.

Tuy nhiên trong quá trình xác minh, đoàn thanh tra chỉ làm việc với Ban giám hiệu và đồng chí Phó hiệu trưởng còn bản thân cô Thủy là người có liên quan thì lại không được mời ra đối chứng…

Vì sao vẫn chưa xử lý?

Mặc dù Phòng giáo dục huyện Gia Lộc đã có kết luận thanh tra về trường THCS Tân Tiến cho đến nay hơn 4 tháng nhưng vẫn chưa có quyết định chính thức nào về hình thức kỷ luật đối với các cá nhân vi phạm, vậy nguyên nhân là do đâu?

Giải thích về vấn đề này, ông Đỗ Quang Toàn cho biết: “Sau khi có kết luận thanh tra cô Thủy tiếp tục làm đơn khiếu nại lên UBND Huyện, chính vì thế đến thời điểm này vẫn chưa có hình thức xử lý. Bên cạnh đó thì Phòng giáo dục chỉ có trách nhiệm tư vấn, giám sát về chuyên môn còn không có quyền xử lý mà phải do UBND huyện quyết định”

“Trong bản kết luận thanh tra, chúng tôi cũng đã đề nghị Huyện Ủy, UBND huyện xem xét, kiểm điểm và có hình thức kỷ luật đối với Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng”, ông Toàn nhấn mạnh.

Cũng để làm rõ thêm vấn đề, Dân trí cũng đã trao đổi với bà Nguyễn Thị Thu, trưởng phòng thanh tra Huyện Gia Lộc.

Theo lời bà Thu, đơn gửi Thanh tra Huyện của cô Thủy không phải là đơn khiếu nại mà chỉ đề nghị làm rõ các vấn đề xác minh của Phòng giáo dục.

Sau khi nhận được đơn Thanh tra huyện đã làm việc với Phòng giáo dục, Ban giám hiệu trường THCS và cô Thủy để làm rõ lại một số vấn đề.

Cũng theo bà Thu thì quá trình khảo sát của Thanh tra Huyện phát hiện kết luận thanh tra của Phòng giáo dục có một số điểm “nhầm lẫn”.

Chẳng hạn như trong việc không cắt hợp đồng giáo viên khi trường đã thừa giáo viên thì kết luận thanh tra của Phòng giáo dục cho rằng đó là lỗi của Hiệu trưởng trước. Tuy nhiên theo khảo sát thì trách nhiệm phải thuộc về hiệu trưởng đang nắm quyền, ông Đặng Văn Nhân...

“Tuy nhiên sự nhầm lẫn trong quá trình xác minh của Phòng giáo dục không ảnh hưởng đến kết luận của thanh tra, bởi không thể đưa ra đề nghị hình thức kỷ luật nào cao hơn cả”, bà Thu nhấn mạnh.

Trước khi về làm việc với phòng chúng tôi cũng đã trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Gia Lộc thì được biết, sở dĩ chưa đưa ra hình thức kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm là còn chờ kết luận của thanh tra Huyện, vậy quá trình đã tiến hành đến đâu?

Trả lời câu hỏi này bà Thu cho hay: “Chúng tôi cũng đã giải thích với UNBD Huyện là, Phòng giáo dục đã ra kết luận thanh tra, nếu cô Thủy không đồng ý và tiếp tục tố cáo nhưng với điều kiện phải có chứng cứ mới thì lúc đó UBND Huyện mới giao cho Thanh tra Huyện tiếp tục xử lý. Nếu chị Thủy tố cáo nhưng không có chứng cứ mới thì không xem xét, các vấn đề giữa bên giải quyết và người tố cáo mà chưa thống nhất được so với các chứng cứ đưa ra thì vẫn yêu cầu đơn vị trước đó (Phòng giáo dục) đó tiếp tục rà soát đánh giá lại, đây là theo quy định của Luật”.

Theo thông tin từ phía bà Thu thì hiện tại UBND Huyện Gia Lộc đang tiến hành đánh giá đề thành lập Hội đồng kỷ luật để đưa ra mức xử lý đối với Ban giám hiệu trường THCS Tân Tiến.

Trước đó, vào ngày 12/11/2009, Ban cán sự Đảng của Huyện Gia Lộc đã ra quyết định khiển trách Đảng đối với Hiệu trưởng Đặng Văn Nhân về những sai phạm trên.

Hiệu trưởng cấm ghi âm, chụp ảnh

Theo phản ánh của cô giáo Nguyễn Thị Thủy thì năm học 2008-2009, Hiệu trưởng đã ban hành quy chế làm việc của trường THCS Tân Tiến với một số điều khoản đặc biệt.

Chẳng hạn như tại khoản h, điều 3 có quy định: “Muốn được sử dụng các phương tiện như quay phim, chụp ảnh, ghi âm trong các cuộc họp thì phải xin phép Hiệu trưởng và chỉ được thực hiện khi Hiệu trưởng cho phép”.

“Việt Nam nên loại bỏ số đông trường đại học”

(Dân trí) - “Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa...”.
Đó là chia sẻ của GS. TS Trần Thanh Vân, việt kiều Pháp khi ông về Việt Nam dự Hội nghị “Người Việt Nam trên toàn thế giới” lần thứ nhất tổ chức tại Hà Nội.
Giáo sư Vân bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi được về dự đại hội này. Đây là cơ hội cho các kiều bào gặp gỡ, trao đổi với nhau. Qua đại hội nhiều kiều bào có dịp bày tỏ quan điểm với Chính phủ và mong muốn cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước”.
Chọn trường là những lo âu của nhiều thí sinh khi kì thi ĐH đến gần.
Nên loại bỏ số đông trường đại học
Là nhà khoa học có nhiều đóng góp cho khoa học thế giới, đồng thời là nhà giáo dục nổi tiếng, ông nhận xét gì về nền giáo dục Việt Nam hiện nay?
Tôi nhận thấy giáo dục THPT của mình rất tốt, không thua các nước trong khu vực ở các cuộc thi Olympic. Còn giáo dục đại học nhiều anh em ở nước ngoài thấy rằng còn rất nhiều khó khăn, cần phải khắc phục.
Tôi không hiểu tại sao ở Việt Nam mình lại có nhiều trường đại học, cao đẳng đến thế, gần 400 trường. Do vậy, từ Đại học không còn có ý nghĩa, ví dụ như về kinh tế có đến mấy chục trường ĐH Kinh tế, người dân biết tin tưởng vào trường nào. Ở Pháp, người dân rất giàu nhưng họ không thể mở được đại học tư nhân vì Chính phủ quản lý rất chặt.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy 90% đại học của mình là đại học… doanh nghiệp. Ở Pháp, tôi nhận được lời mời của 20 trường đại học tư nhân Việt Nam nhưng tôi đều từ chối vì nghĩ đó không phải là đại học đúng nghĩa.
Vậy GS có “biện pháp” gì để khắc phục tình trạng trên?
Để khắc phục được tình trạng này thì chỉ có Chính phủ mới làm được. Trước hết Chính phủ bỏ một số đông trường đại học không đủ điều kiện là trường đại học chuyển thành trường dạy nghề.
Nên để mô hình trường đại học như ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Huế... vì trong đó có các trường đại học, họ hoạt động rất quy củ và chất lượng.
Bên cạnh đó, tôi thấy Chính phủ Việt Nam hiện đang xây dựng 4 trường ĐH đẳng cấp quốc tế và đào tạo 20.000 tiến sĩ, đây là một điều rất mừng. Với việc đào tạo 20.000 tiến sĩ nhiều người lo ngại chất lượng không tốt nhưng theo tôi, trong số này có 500 tiến sĩ giỏi thì tốt lắm rồi, ít còn hơn không.
Việc chúng ta cần làm hiện nay là đào tạo 1 số sinh viên giỏi để trong vòng 5 - 10 năm nữa Việt Nam sẽ có đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Thời gian vừa qua, tôi và GS Nguyễn Văn Hiệu đã thành lập chương trình đào tạo chất lượng cao sau đại học tại ĐHQG Hà Nội và hoạt động rất tốt.
Sống ở Việt Nam hấp dẫn hơn nhiều ở nước ngoài
Vợ chồng GS Trần Thanh Vân nhận bằng khen của Chính phủ năm 2008.

Tối 20/11 vừa qua, GS. TS Trần Thanh Vân đã có mặt tại Lễ trao giải Nhân tài Đất Việt với tư cách khách mời. Nói về Giải thưởng ý nghĩa này, GS. Vân chia sẻ: “Tôi thấy Nhân tài Đất Việt tổ chức rất tốt, rất hay. Cách tổ chức rất đẹp, tôi phục cách tổ chức ấy, mặc dù tôi cũng đã tổ chức trao nhiều giải thưởng nhưng không hoành tráng và trang trọng như buổi lễ này.

Về nội dung, tôi thấy BTC chọn lựa để trao giải hết sức kỹ càng, mỗi giải chỉ được 1 - 2 thí sinh nhưng tôi nghĩ đây là giải thưởng dành cho Nhân tài Đất việt, Ban tổ chức nên chọn lựa và trao cho nhà khoa học trẻ vì đây là một giải thưởng lớn, rất vinh dự, rất quý đối với họ, để họ tiến xa hơn nữa”.

Dư luận nói rất nhiều về việc Việt Nam để “chảy máu” chất xám khi sinh viên giỏi đi học ở nước ngoài không về nước, có phải họ “chê” Việt Nam?
Việt Nam để chảy máu chất xám như nhiều người nói cũng có phần đúng nhưng đó chỉ là ý kiến nhỏ.
Những người Việt Nam ở nước ngoài cũng phấn đấu rất nhiều và đạt được thành công nhất định làm rạng danh cho Việt Nam như GS Đàm Thanh Sơn (36 tuổi) đã rất nổi tiếng ở Mỹ. Nếu Sơn về Việt Nam vẫn có thể làm việc tốt nhưng theo tôi hãy để cho những người tài năng bay nhảy.
Vì vậy Việt Nam không nên đặt vấn đề là gửi sinh viên ra nước ngoài đào tạo và yêu cầu khi học xong phải về nước làm việc. Những năm 1960, nhóm bạn học của tôi người Hàn Quốc khi tốt nghiệp họ không về nước. Tuy nhiên đến khoảng 1980 - 1990 thì 90% người Hàn Quốc học ở Mỹ đều về nước làm việc vì Hàn Quốc khi đó đã có sự tiến bộ.
Có phải do Việt Nam còn nghèo, lạc hậu hay vì lý do nào khác mà không thu hút được các tài năng về làm việc thưa GS?
Tôi khẳng định rằng, người Việt Nam ở nước ngoài rất muốn trở về Việt Nam để làm việc. Tôi nói thật người Việt mình sống ở nước ngoài như Mỹ, Pháp cũng khổ lắm, đi làm việc cả ngày khi về phải nấu ăn, rửa chén bát, làm hết mọi việc trong gia đình.
Tôi thấy sống ở Việt Nam rất hấp dẫn và sung sướng hơn nhiều ở nước ngoài. Các GS được xã hội rất tôn trọng, sinh viên kính phục ở nước ngoài không được như thế.
Nhưng Việt Nam muốn thu hút các tài năng về làm việc thì phải trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra. Tôi biết số lượng GS ở Việt Nam rất ít mà lương GS ở Việt Nam lại rất thấp nên để trang trải cuộc sống họ phải đi dạy thêm không còn thời gian dành cho nghiên cứu khoa học.
Tôi mong rằng 5 - 10 năm tới, khi kinh tế Việt Nam phát triển hơn thì Chính phủ có tiền để trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc độc lập thì tự nhiên các GS, PGS sẽ đổ về làm việc, không cần phải kêu gọi gì.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng hạn chế bớt những thủ tục rườm rà trong việc tuyển chọn phong hàm chức danh GS, PGS vì tôi thấy 90% GS của Việt Nam đều lớn tuổi cả, có người 50 tuổi rồi mà vẫn là PGS.
Xin cám ơn giáo sư!

GS Trần Thanh Vân.

GS Trần Thanh Vân người gốc Quảng Bình. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông qua Pháp học. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân vật lý và toán học. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và đến 1966 trở thành tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản.

Ông đã giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu KH Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, Viện Hàn lâm khoa học Nga bầu làm Viện sĩ danh dự.

GS Vân đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý mang tên ông.

Bộ GD-ĐT không giấu kết quả kiểm định 20 trường ĐH

(Dân trí)- Giải thích về việc Bộ GD-ĐT chưa công bố kết quả kiểm định 20 trường ĐH đầu tiên, thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: “Bộ không giấu kết quả kiểm định này, do lãnh đạo Bộ chưa họp nên chưa thể công bố, thời gian tới Bộ sẽ họp”.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với tất cả các cơ sở giáo dục và chương trình giáo dục. 20 trường đại học “tốp trên” đã tham gia kiểm định đợt đầu tiên từ năm 2005 là ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH KHXH&NV- ĐHQG Hà Nội, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Kỹ thuật công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Bách Khoa (ĐHQG TPHCM), ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm (ĐH Huế), ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Thủy sản, ĐH Thương Mại, ĐH Đà Lạt, ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, ĐH Dân lập Hải Phòng, ĐH Dân lập Văn Lang và ĐH Hàng Hải.

Sau khi các trường hoàn thành tự đánh giá, các chuyên gia nước ngoài và Việt Nam đã đánh giá ngoài từ năm 2006 – 2007. Ngay sau có kết quả Hội đồng quốc gia kiểm định chất lượng giáo dục đã gửi kết quả kiểm định về cho các trường từ năm 2007 và các trường đã khắc phục những hạn chế của mình nhưng hiện nay Bộ GD-ĐT chưa chính thức công bố kết quả này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ, ông Phạm Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết: “Việc kiểm định 20 trường đại học đầu tiên trong cả nước đã hoàn thành và đang chờ Bộ trưởng phê duyệt kết quả, rà soát lại toàn bộ rồi mới đưa ra quyết định”.

Ông Thanh cũng cho hay, trong số 20 trường được kiểm định thì có 4 trường đạt cấp độ 1, cấp độ thấp nhất; 16 trường đạt cấp độ 2. Chưa có trường nào đạt cấp độ 3, vì để đạt được cấp độ này rất khó, trong khi các trường chưa đầu tư thời gian chuẩn bị và bằng lòng với cấp độ đã đạt được.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng khẳng định: “Việc công bố kết quả kiểm định, Bộ sẽ công bố trong thời gian tới. Kết quả này sẽ là cơ sở để sinh viên lựa chọn trường để học, đồng thời xã hội cũng kiểm soát được chất lượng của nhà trường”.

Èo uột trường tư

(Dân trí) - Eo hẹp về phòng ốc, ít ỏi HS, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở mức đội sổ là “chân dung” của đa số các trường THPT ngoài công lập ở TPHCM hiện nay. Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TPHCM, 70% trường ngoài công lập có quy mô nhỏ, cơ sở vật chất eo hẹp.

Không thể chối cãi một thực tế là các trường phổ thông ngoài công lập đang ồ ạt ra đời ở TP.HCM. Năm nay có thêm 7 trường THPT ngoài công lập mới được thành lập ở TPHCM. Tại thời điểm đầu năm học 2009-2010, số học sinh (HS) ở các trường THPT ngoài công lập là 32.000 HS, chiếm khoảng 17,7% tổng số HS toàn thành phố.

Tuy nhiên, sự phát triển của các trường ngoài công lập rất không đồng đều. Có trường vươn lên thành hàng “sao”, nhưng cũng có trường phải đối diện với việc phải giải thể.
Học sinh trường THPT dân lập Nhân văn thi tốt nghiệp năm 2009. (Ảnh: Hoàng Hoa)

Trong khi đa số các trường ngoài công lập hiện nay có chất lượng giáo dục ở mức làng nhàng thì một vài trường đã tạo ra thương hiệu cho mình. Trong kỳ tốt nghiệp THPT năm 2009, có đến 7 trường ngoài công lập đạt tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%. Trong số này, trường tư thục Nguyễn Khuyến có 274 HS đạt loại giỏi, trường tư thục Trương Vĩnh Ký có 30 HS đạt loại giỏi.

Còn trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2009, theo thống kê của Cục CNTT (Bộ GD-ĐT trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến dẫn đầu cả nước về số thí sinh đạt trên 27 điểm (66 em), vượt lên cả nhiều trường tên tuổi của cả nước. Trong năm 2009, trường này cũng có đến 10 thí sinh trúng tuyển hạng thủ khoa.

Đội sổ ngành giáo dục

Trong số các trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất TPHCM năm 2009 có rất nhiều tên tuổi các trường ngoài công lập. Có 5 trường ngoài công lập đạt tốt nghiệp dưới 50%. Có thể kể đến một số trường như THPT dân lập Nguyễn Trãi (26,44%), THPT tư thục Hữu Hậu (30,56%), THPT dân lập Hưng Đạo (33%). Có khá nhiều trường không có học sinh đạt tốt nghiệp loại giỏi, nếu có chỉ ở con số đếm trên đầu ngón tay.

Còn nếu nhìn vào lượng HS thì nhiều người phải giật mình vì quá ít ỏi. Tổng số HS của một trường tư thục, dân lập có khi ít hơn cả sĩ số một lớp học ở trường công. Tính đến đầu năm học 2009-2010, trường tư thục Thái Bình Dương chỉ có 24 HS, trường dân lập Úc Châu có 27 HS, trường tư thục Lý Thái Tổ có 37 HS, tư thục Phan Huy Ích có 58 HS…

Cơ sở vật chất được xem là một trong những vấn đề nan giải ở trường ngoài công lập. Các trường tư thục, dân lập nay thuê chỗ này, mai thuê chỗ khác. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường ngoài công lập hiện nay thiếu sân chơi, bãi tập, khu nội trú, thiếu giáo dục ngoại khóa, thực hành thí nghiệm.

Phải tự nâng mình để tồn tại

Năm 2009, trong khi một số trường ra đời thì có trường phải tạm ngưng hoạt động như trường tư thục Nhân Trí, hoặc ngưng tuyển sinh như trường dân lập Nguyễn Trãi. Đây cũng là trường được xem là khá chật vật trong sự tồn tại của mình. Sự vươn lên sống sót của trường Nguyễn Trãi khiến người người bất ngờ vì vào năm 2007, chủ đầu tư đã quyết định giải thể. Nhưng vị hiệu trưởng hiện nay là ông V.Đ.K quyết tâm vực dậy.

Số phận long đong của trường THPT dân lập Nguyễn Trãi bắt đầu từ chính sự thiếu đầu tư của những người bắt đầu kinh doanh giáo dục. Nói như ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM là đầu tư theo kiểu “mì ăn liền”. Trường Nguyễn Trãi khi phải thuê từ kho đông lạnh đến văn phòng sở công an, trường cao đẳng để làm phòng học. Địa điểm học thay đổi xoành xoạch từ quận 3, quận 5 qua quận 1 rồi về quận Tân Phú, Tân Bình.

Mỗi lần chuyển địa điểm như vậy là mỗi lần HS vơi dần đi. Sĩ số HS một lớp có lúc chỉ còn 2 em. Vị hiệu trưởng này nhận tất tần tật các HS bị đuổi từ các trường khác. Có những em bị đuổi từ 4 trường THPT đã đến “trú” tại trường Nguyễn Trãi.

Theo ông Nguyễn Hoài Chương, đã qua đi cái thời dễ dãi thành lập trường tư thục, dân lập như cách đây mấy năm. Hiện nay, cơ sở vật chất là yếu tố quyết định của việc hình thành một ngôi trường. Trong giai đoạn mới thành lập, khoảng từ 3 đến 5 năm thì có thể còn đi thuê mướn địa điểm chứ sau đó thì các trường ngoài công lập phải xây dựng cơ ngơi riêng của mình.

Trong năm học tới 2010-2011, khi Sở GD-ĐT TPHCM công khai chất lượng đào tạo các trường THPT thì các trường ngoài công lập phải tự nâng mình lên để tồn tại. Theo kinh nghiệm của ông Lê Trọng Tín, hiệu trưởng trường THPT tư thục Nguyễn Khuyến - một trong số ít các trường THPT ngoài công lập đã tạo được thương hiệu cho mình, để có thể ổn định thì các trường ngoài công lập nên có một đội ngũ giáo viên cơ hữu của mình, để tránh sự xáo trộn ảnh hưởng chất lượng giảng dạy.

Học bổng Pháp dành cho sinh viên VN năm học 2010-2011

(Dân trí) - Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam vừa thông báo học bổng của Chính phủ Pháp dành cho sinh viên Việt Nam mong muốn tiếp tục theo học ở trình độ master hay tiến sĩ trong các trường đại học và trường lớn của Pháp.
Du học Pháp là niềm mong muốn của không ít
Chính phủ Pháp dành học bổng cho các lĩnh vực: khoa học cơ bản, đào tạo kỹ sư, kinh tế và quản lý và luật.

Điều kiện xin học bổng: Các ửng cử viên phải có quốc tịch Việt Nam, dưới 40 tuổi ở thời điểm nộp hồ sơ xin học bổng. Các thí sinh ở tất cả các tỉnh thành của Việt Nam, các tổ chức dân sự, các cơ quan nhà nước hay tư nhân đều có thể nộp hồ sơ.

Hạn cuối cùng nhận hồ sơ ngày 5/ 2/ 2010. Quy định của chương trình học bổng Evariste Galois và mẫu tờ khai xin học bổng có thể tải về từ trang web :http://www.ambafrance-vn.org/

Buổi giới thiệu thông tin tại Hà Nội và TPHCM sẽ diễn ra từ 9h30 đến 14h ngày 5/12/ 2009. Tại Hà Nội: Espace - Trung tâm văn hoá Pháp, 24 Tràng Tiền. Tại TPHCM: IDECAF, 31 Thái Văn Lung, Quận 1.

Cũng trong ngày 5/12/2009, Đại sứ quán Pháp tổ chức Ngày Hội Thông tin Du học, tại Hà Nội, l’Espace, Trung tâm Văn hóa Pháp, từ 08h00 đến 13h00 và tại TPHCM, tại Viện Trao đổi Văn hóa với Pháp IDECAF, từ 09h00 đến 14h00.

Ngày Hội thông tin lần này đặc biệt chú trọng tới các chương trình đào tạo Thạc sĩ và Tiến sĩ. Ngày hội sẽ diễn ra quanh các buổi Hội thảo về hệ thống giáo dục Pháp, các chương trình đào tạo tại Pháp, quy trình và thời hạn đăng kí, chương trình học bổng của Đại sứ quán Pháp, kiểm tra đánh giá trình độ ngôn ngữ …

Tại các gian thông tin của CampusFrance, Phòng Học bổng của Đại sứ quán Pháp và Hội Cựu du học sinh Việt Nam tại Pháp (UAFV), sinh viên tham dự có thể đặt các câu hỏi và sẽ được giải đáp cá nhân.

Đăng kí dự tuyển Chương trình Học bổng của Đại sứ quán đã được triển khai từ ngày 21 tháng 10 năm 2009. Đăng kí vào các trường đại học của Pháp cho năm học 2010-2011 bắt đầu ngày 1 tháng 12 năm 2009. Vì vậy, đây sẽ là dịp để các bạn sinh viên tìm hiểu toàn bộ các thông tin cần thiết cho một kế hoạch học tập thành công tại Pháp.

Câu chuyện buồn của thầy giáo phạt học trò thụt dầu 100 lần

Vô tình làm tổn thương học trò - Đó là tâm sự của thầy giáo V.H.B., giáo viên Trường THPT Lê Quý Đôn - TPHCM, sau khi lỡ cho học sinh tự chọn hình phạt “thụt dầu” dẫn đến hậu quả đáng tiếc là một em phải vào bệnh viện.
Thầy giáo V.H.B. vẫn nhớ như in buổi học ôn thi học kỳ môn toán hôm đó. Trong lớp 11A8 rất ồn ào, có học sinh xung phong làm bài, có học sinh thì trao đổi bài...

Riêng Lê Anh Tuấn không những không chịu ôn bài mà còn chọc ghẹo và giỡn với một học sinh khác đang bị bệnh xương sườn phải bó thanh sắt trong người. Thầy B. cho biết khi thấy vậy, thầy dọa sẽ ghi vào sổ đầu bài. Anh Tuấn cùng với 2 học sinh nữa đã tự nhận hình phạt “thụt dầu” để khỏi bị thầy ghi vào sổ.

Thầy V.H.B: "Tôi thương và lo cho bệnh tình của học trò nhiều mà giận mình cũng nhiều"


Ân hận suốt đời

“Khi nghe tin Anh Tuấn phải vào bệnh viện, tôi rất bàng hoàng, tôi không tưởng tượng nổi hậu quả như thế. Tôi đã vội vàng vào bệnh viện để thăm em, dù biết có thể sẽ bị gia đình em rầy la hoặc có khi bị đánh. Khi thấy em nằm trên giường bệnh, tôi ân hận vô cùng. Chỉ vì thiếu hiểu biết về mặt y khoa mà tôi đã vô tình làm tổn thương em...”.

Thầy giáo V.H.B. kể lại và cho biết suốt mấy ngày qua không hề chợp mắt vì cứ nghĩ về những gì đã xảy ra, thương và lo cho bệnh tình của học trò nhiều mà giận mình cũng nhiều.
“25 năm làm nghề giáo, tôi luôn thương học trò và chưa bao giờ làm gì ác ý với các em. Nhiều lúc thấy tôi dễ tính nên học trò có quậy phá trong giờ học, đáng ra theo quy định, tôi phải ghi vào sổ đầu bài để cuối kỳ trừ vào điểm hạnh kiểm, nhưng tôi đã không làm thế vì nghĩ các em không hư mà chỉ là do sự hiếu động của tuổi học trò. Nhưng tôi đã sai lầm khi để các em tự chọn hình phạt “thụt dầu”- thầy giáo V.H.B. tâm sự.

Trong khi Anh Tuấn và 2 bạn nữa cùng tự nhận hình phạt “thụt dầu”, thầy giáo V.H.B. cho biết là vẫn để mắt tới học trò và khi thấy các em mệt, thầy đã bảo: “Thôi các con làm thế được rồi, thầy cho các con nợ” và những học trò này đứng dậy vận động, đi lại rồi học bài tiếp.

Riêng Anh Tuấn mấy ngày sau vẫn đi học bình thường nên không ngờ hình phạt đó lại khiến Anh Tuấn phải vào viện. “Điều tôi lo lắng nhất là sức khỏe của Anh Tuấn. Lỡ em có bị làm sao thì tôi ân hận suốt đời” - thầy giáo V.H.B. cố ngăn dòng nước mắt đang chực trào ra.

25 năm đứng trên bục giảng, thầy giáo V.H.B. kể đã tiếp xúc với nhiều học sinh cá biệt nên vẫn nhớ có một học trò từng vác dao rượt đuổi phụ huynh, tổ chức đánh nhau trong lớp. Đáng ra, học sinh này phải bị khai trừ khỏi Đoàn và chịu hình phạt hạnh kiểm kém, thế nhưng thầy đã cố gắng giúp em nhận ra sai lầm và giúp em có cơ hội sửa chữa sai lầm.

Thầy vẫn luôn nói với học trò sống phải có cái tâm, phải sống tốt và cách phạt của thầy cũng chỉ mong các em ngoan hơn, nhưng thầy không lường được hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Tôi gởi lời xin lỗi tới gia đình em Tuấn và mong mọi người thông cảm cho tôi”- thầy giáo V.H.B. nói.

Sai lầm đắt giá

Làm việc trong một hoàn cảnh mà việc đạt thành tích cao trong đào tạo được đặt lên hàng đầu, thầy B. cũng như nhiều giáo viên khác luôn phải chịu sức ép phải làm sao để học trò hiểu bài, làm bài tốt, đạt điểm cao. “Nếu học trò không đạt điểm cao thì giáo viên bị khiển trách, do đó khi các em lười học, quậy phá, giáo viên phải có biện pháp để các em nghiêm chỉnh học bài hơn. Chỉ tiếc rằng, phương pháp của tôi chưa đúng”.

Thầy giáo V.H.B. thừa nhận và cũng nói rõ thêm là chương trình học hiện quá nặng nên để không cháy giáo án, giáo viên phải hết sức truyền đạt kiến thức cho các em. Trong khi đó, có những học sinh không tập trung, gây ồn ào, buộc thầy phải nhắc nhở.

Trong bản kiến nghị gửi Ban Giám hiệu Trường THPT Lê Quý Đôn, 28 học sinh lớp 11A8 viết: “Vẫn biết “thụt dầu” là một hình thức không nên có trong sư phạm nhưng điều đó khác xa với tính cách của thầy hằng ngày lên lớp “Thương cho roi cho vọt”. Chúng em mong sao ban giám hiệu đừng kiểm điểm thầy B. quá mức mà mất đi một thầy giáo giỏi, tận tình”.

Thêm nữa, trong số học trò của thầy giáo V.H.B. đang dạy có nhiều em là con nhà khá giả lại được nuông chiều nên rất khó bảo. Thầy giáo V.H.B. giãi bày: “Tôi chưa thấy có phương cách nào hữu hiệu để dạy bảo học trò, nhất là học sinh cá biệt. Tôi chỉ mong bằng tình cảm thầy trò có thể cảm hóa các em, giúp các em ngoan hơn và khi xử phạt “thụt dầu” tôi cũng chỉ nghĩ đó là cách vận động giúp cơ thể các em khỏe hơn để tiếp tục học bài chứ hoàn toàn không ác ý”.
Sau khi sự việc xảy ra, thầy giáo V.H.B. vẫn cố gắng đứng vững vàng trên bục giảng vì có niềm động viên lớn là học trò của lớp 11A8 chăm chỉ học, ngoan và thương thầy hơn. Nhưng nghiệt ngã thay là thầy cũng hay tin chỉ vài buổi học nữa thôi, thầy sẽ phải tạm ngưng dạy để chờ hình thức kỷ luật.

Tâm sự với chúng tôi đến đây, thầy giáo V.H.B. không ngăn được nước mắt: “Con gái tôi mới tròn 1 tuổi, tôi không biết phải làm gì để nuôi con nếu buộc phải thôi việc...”. Thầy cũng cho biết dù lương giáo viên eo hẹp nhưng là nguồn thu nhập chính nuôi sống gia đình thầy trong khi vợ thầy vẫn còn nghỉ việc để nuôi con nhỏ. “Tôi chỉ mong ban giám hiệu rộng lượng với tôi. Sai lầm này là bài học đắt giá mà tôi sẽ phải nhớ suốt đời” - thầy giáo V.H.B. tâm sự.

Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm về đạo đức, lối sống của học sinh

(Dân trí) - “Chương trình giáo dục đạo đức còn quá ôm đồm, nặng về lý thuyết, thiếu kỹ năng sống, không tạo được dấu ấn để hình thành nhân cách học sinh...”.
Đó là ý kiến của bà Lê Nguyên Hương, Phó Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Huệ, Hà Nội về công tác giáo dục đạo đức lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường hiện nay.
Bộ GD-ĐT sẽ đưa kỹ năng sống vào chương trình học chính khóa

Theo bà Hương, chương trình học đạo đức ở bậc tiểu học và Giáo dục công dân ở bậc THPT hiện nay rất nhiều nhưng rất khó nhớ, khó nhập tâm. Trên lớp giáo viên chỉ lo truyền thụ kiến thức. Về nhà cha mẹ chỉ bận lo công việc, học sinh không được trang bị những kỹ năng tối thiểu cũng như trong ứng xử trong cuộc sống dẫn đến càng lớn ý thức đạo đức của học sinh càng đi xuống.

“Lâu nay chúng ta chỉ “coi” chứ chưa thực sự “trọng”, trong suốt thời gian dài chúng ta chỉ thiên về giáo dục trí dục. Đã nhiều năm trường lớp của chúng ta gỡ bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” thay vào đó là những khẩu hiệu xa vời với trình độ phát triển về thể chất và tâm lý của tuổi học trò. Các em được học những gì mà các em không được tận mắt chứng kiến, tự bản thân trải nghiệm. Giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh cần phải thiết thực, cụ thể, dễ kiểm chứng trong thực tế. Không đào tạo học sinh thành những Robot, được lập trình theo cùng một cách”, bà Hương cho hay.

Còn ông Nguyễn Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội cũng cho rằng: “Các môn học mang tính giáo dục cao thì các em coi nhẹ và không trân trọng. Đó là hệ lụy của sức ép về học tập đối với các em hiện nay là phải học rất nhiều môn và áp lực thi cử căng thẳng nên các em không có thời gian tham gia các hoạt động ngoài giờ. Những môn học mang tính giáo dục cao nhưng lại đậm chất triết lí khô khan, cao siêu mà không gắn liền với thực tiễn nên các em thấy nhàm chán”.

Ông Phùng Khắc Bình, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận rằng: “Nhận thức của một số lãnh đạo nhà trường về tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức học sinh chưa đầy đủ, sâu sắc dẫn đến tình trạng nặng về dạy “chữ”, nhẹ về dạy “người” chưa quan tâm đầy đủ, huy động các nguồn lực cần thiết cho công tác giáo dục đạo đức học sinh. Trong nhà trường vẫn còn có thầy, cô giáo vi phạm chuẩn mực đạo đức, chưa thực sự làm gương để học sinh noi theo. Công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình và các cơ quan chức năng ở địa phương có nơi còn hình thức, lỏng lẻo, chưa chủ động, chưa phân công trách nhiệm cụ thể trong công tác”.

Trước những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: “Bộ GD-ĐT và Đoàn Thanh niên chịu trách nhiệm lớn nhất trước xã hội về đạo đức lối sống của học sinh. Bộ sẽ lấy ý kiến đánh giá về nội dung chương trình môn Giáo dục công dân và xây dựng một tài liệu hướng dẫn tích hợp giáo dục kỹ năng sống trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Sau khi lấy ý kiến xây dựng chương trình SGK mới, Bộ sẽ chú trọng tới việc làm thế nào để giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hiệu quả hơn, từ mầm non đến phổ thông”.

Đầu tư hơn 850 tỷ đồng cho chương trình tiên tiến

(Dân trí)- Tổng mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện các chương trình tiên tiến của các cơ sở đào tạo là 859,743 tỷ đồng, thời gian thực hiện hỗ trợ từ năm 2008 - 2015.
Đó là một trong những nội dung thông tư liên tịch giữa Bộ GD-ĐT với Bộ Tài chính về Hướng dẫn quản lý tài chính đối với kinh phí thực hiện Chương trình tiên tiến tại một số trường Việt Nam giai đoạn 2008 - 2015.
Học chương trình tiên tiến, sinh viên phải có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu học tập

Theo đó, trường đại học triển khai chương trình tiên tiến được quy định mức thu học phí đối với chương trình tiên tiến cao hơn so với chương trình đào tạo chuẩn (chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT). Mức học phí chương trình tiên tiến được tính theo nguyên tắc ngoài mức học phí thu tương tự như chương trình đào tạo chuẩn, được cộng thêm các chi phí thường xuyên phát sinh thêm khi thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến so với chương trình chuẩn. Mức học phí chương trình tiên tiến phải được công bố công khai trước khi tuyển sinh.

Với số tiền hỗ trợ từ ngân sách trên, các trường chi mua bản quyền chương trình tiên tiến từ cơ sở nước ngoài, biên soạn; xây dựng chương trình tiên tiến cho phù hợp với điều kiện Việt Nam; bồi dưỡng cán bộ, giáo viên, chi cho nghiên cứu khoa học, kiểm định chương trình, thuê giáo viên nước ngoài...

Được biết 3 năm qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai thí điểm đào tạo theo chương trình tiên tiến. Phấn đấu đến năm 2020 có một số trường đại học của Việt Nam được xếp hạng trong số 200 trường đại học hàng đầu thế giới.

Chương trình gốc cũng phải được chọn từ các chương trình đào tạo của các trường đại học thuộc nhóm 200 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng của các hiệp hội, tổ chức giáo dục có uy tín trên thế giới hoặc thuộc nhóm 20% những chương trình đào tạo tốt nhất trong bảng xếp hạng các ngành đào tạo của các hiệp hội, tổ chức kiểm định giáo dục cấp quốc gia hoặc quốc tế; có nội dung tiên tiến, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của nước ta và phù hợp với năng lực triển khai thực hiện của trường đại học được áp dụng.

Sinh viên theo học chương trình tiên tiến là những sinh viên trúng tuyển vào đại học hệ chính quy; có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu học tập; tự nguyện đăng ký theo học chương trình tiên tiến và đóng học phí theo quy định của cơ sở đào tạo.

Thời gian đào tạo theo chương trình tiên tiến của một khoá học là từ 4,5 năm đến 5 năm, trong đó năm đầu tập trung đào tạo tăng cường tiếng Anh cho sinh viên; quy mô tuyển sinh đào tạo ở khoá đầu khoảng từ 30 đến 50 sinh viên và được mở rộng tăng dần tuỳ theo khả năng, điều kiện thực tiễn; bằng tốt nghiệp khóa đào tạo do trường đại học của Việt Nam cấp hoặc cả hai trường của Việt Nam và nước ngoài cùng cấp.

Mục tiêu cụ thể: Đến hết năm 2015 triển khai thực hiện được ít nhất 30 chương trình đào tạo cử nhân tiên tiến ở một số trường đại học của Việt Nam; đào tạo khoảng 4000 cử nhân, 600 thạc sĩ, tiến sĩ được đào tạo theo các chương trình đào tạo tiên tiến; thu hút khoảng 3000 sinh viên quốc tế đến học tập và ít nhất 700 lượt cán bộ khoa học quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu tại các cơ sở đào tạo theo chương trình tiên tiến ở Việt Nam.

Đặc biệt, đến năm 2015 đào tạo được 1000 giảng viên đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế; 100% số giảng viên giảng dạy lý thuyết trong các chương trình tiên tiến đạt trình độ tiến sĩ. Có ít nhất 100 cán bộ quản lý giáo dục đại học được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn khu vực và quốc tế, đáp ứng được yêu cầu mới của công tác quản lý trong các trường đại học ở Việt Nam; có ít nhất 100 công trình khoa học trong các lĩnh vực, ngành thực hiện đào tạo theo chương trình tiên tiến được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín ở nước ngoài; 20 phòng thí nghiệm và 15 thư viện điện tử được đầu tư, hoàn thiện đạt chuẩn khu vực và quốc tế...

Sẽ có chế tài xử lý giảng viên nếu bị sinh viên đánh giá không tốt

(Dân trí) - Đó là ý kiến của Tiến sĩ Trương Đình Mậu, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục Bộ GD- ĐT về chủ trương sinh viên đánh giá giảng viên mà Bộ sẽ thực hiện triển khai từ năm 2010.
Theo ông Mậu, mục đích sinh viên (SV) đánh giá giảng viên (GV) là biện pháp góp phần nâng cao năng lực giảng dạy của GV, đáp ứng yêu cầu đối với người học. Việc người học đánh giá, nhận xét về người thầy không phải là việc mới, tuy nhiên, từ trước tới nay Bộ chưa đưa ra hướng dẫn, quy định cụ thể về việc này nên khi thành chủ truơng nó lại là vấn đề mới. Thực ra các nước phát triển, vấn đề SV đánh giá GV họ làm thường xuyên, liên tục và GV họ cũng rất tự giác động viên SV làm việc này.

Sinh viên đánh giá giảng viên là một kênh quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục

Được biết, Bộ đã triển khai thí điểm ở một số trường về SV đánh giá GV, vậy ông thấy các trường phản hồi thế nào?

Năm 2008, Bộ đã có hướng dẫn tới các trường thực hiện thí điểm sinh viên tham gia đánh giá giảng viên và hiện nay nhiều trường đã gửi báo cáo về Cục Nhà giáo kết quả triển khai của mình, mỗi trường có cách làm khác nhau nhưng tựu chung các ý kiến đều nhất trí với chủ trương của Bộ GD&ĐT, có trường còn chủ động làm trước khi Bộ đưa ra hướng dẫn. Chúng tôi cho rằng đây là một kênh quan trọng để giúp lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học đánh giá GV của mình chính xác hơn, có biện pháp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho họ. Và qua ý kiến góp ý, nhận xét của người học, GV tiếp thu, khắc phục những hạn chế của mình để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên, nhiều trường cũng cho rằng không nên gọi là đánh giá mà nên gọi là góp ý, phản hồi thì đúng hơn.

Theo ông có nên công khai kết quả đánh giá của sinh viên trước toàn trường không?

Bây giờ tôi chưa trả lời được vì sau thời gian thí điểm, Bộ sẽ tổ chức thảo luận, tổng kết sau đó mới đưa ra kết luận cuối cùng là nên công khai như nào? ở mức độ nào? công khai đến đâu? Vì nói cho cùng, mục đích của hoạt động này là để nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo, nếu việc công khai kết quả sinh viên đánh giá giảng viên mà có tác dụng tích cực, góp phần nâng cao chất lượng của đội ngũ GV thì cũng nên làm.

Thực tế ở Việt Nam, các thầy/cô giáo vẫn chưa quen với quan niệm học trò đánh giá thầy và cho rằng như vậy là không được?

Trong thực tế, chẳng ai muốn người khác đánh giá mình, với thầy giáo lại càng không vì xã hội vẫn quan niệm nghề giáo là nghề cao quý được xã hội tôn vinh, bất khả xâm phạm. Nhưng hiện nay, trong các nhà trường đang thực hiện quá trình dân chủ hóa, sinh viên được phép nêu nhận xét, góp ý của mình đối với giảng viên với tư cách là người được hưởng “dịch vụ” giáo dục. SV tham gia đánh giá GV là kênh đánh giá quan trọng. Tuy nhiên, mỗi SV có nhận thức khác nhau về vấn đề này, quan trọng là GV phải có thái độ cầu thị.

Tuy nhiên, khi một giảng viên có nhiều ý kiến phản hồi không tốt của sinh viên thì người lãnh đạo là người quyết định, ông có nghĩ đến vấn đề người lãnh đạo không công tâm?

Khi tuyển dụng một giảng viên vào giảng dạy, người lãnh đạo đã có sự lựa chọn nhất định. Nên khi nhận được phản ánh của sinh viên người lãnh đạo đó cũng phải nghiên cứu kỹ xem lớp này phản ánh thế này, lớp khác phản ánh thế kia và cân nhắc chứ không nên đưa ra kết luận vội vàng mà cần phải phải tìm hiểu nguyên nhân , phải có sự so sánh với nhận xét, góp ý của sinh viên trong năm học trước để cho khách quan hơn. Trường hợp nào lãnh đạo nhà trường đã nhận xét, đưa ra biện pháp sửa chữa mà không khắc phục được thì nhà trường cần có biện pháp bố trí sắp xếp lại công việc cho phù hợp hơn... Bên cạnh đó, trưởng khoa, tổ trưởng bộ môn phải giúp hiệu trưởng trong việc giúp đỡ, hỗ trợ, nhận xét, đánh giá giảng viên.

Vậy, Bộ có đưa ra chế tài nào để xử lý giảng viên không đạt yêu cầu?

Sau khi thí điểm, có kết luận, Bộ sẽ có chế tài xử lý các trường hợp đó. Tuy nhiên, chế tài xử lý sẽ theo quan điểm phát triển để GV tự bồi dưỡng thêm, sau khi tạo điều kiện cho GV đó khắc phục hạn chế của mình, nếu không đạt thì sẽ chuyển công tác khác.

Đội ngũ giảng viên trẻ thường thiếu kinh nghiệm giảng dạy và trình độ còn hạn chế, nếu căn cứ và nhận xét của SV thì nhiều khi họ bị thiệt thòi?

Đội ngũ GV trẻ thì phải tạo điều kiện cho họ từng bước tập sự chưa nên đòi hỏi quá cao, vì “ ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay” được. Do vậy, các trường phải tạo điều kiện cho đội ngũ giảng viên trẻ phát triển và cho họ lộ trình rèn luyện, vững vàng về chuyên môn nghiệp vụ sau đó mới bố trí cho họ chính thức đứng lớp. Chúng ta đừng kỳ vọng năm đầu tiên các SV đều nhận xét tốt về GV trẻ, vì vậy, các lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học cần nhìn nhận (với những ưu, khuyết điểm) của họ một cách khách quan theo hướng phát triển. Nhưng tôi tin chắc những người GV trẻ, có trình độ chuyên môn giỏi, sẽ sớm vững vàng, tự tin trên bục giảng .

Xin cảm ơn ông!

Nhân tài Đất Việt mở rộng sang lĩnh vực Khoa học giáo dục

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa cho ý kiến đồng tình việc triển khai Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sang lĩnh vực Khoa học giáo dục. Theo đó, Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất quy chế bình xét và tổ chức Giải thưởng.
Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Báo điện tử Dân trí, VTV và tập đoàn VNPT phối hợp tổ chức lần đầu tiên từ năm 2005, bắt nguồn từ ý tưởng của Hội khuyến học Việt Nam và thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt của đời sống xã hội.
Nhân tài Đất Việt thực sự là cuộc tuyển chọn người tài cho đất nước. (Ảnh: Việt Hưng)
Sau 5 năm tổ chức, Nhân tài Đất Việt đã gặt hái được những thành công lớn về cả chất lượng và uy tín của Giải thưởng. Giải thưởng không chỉ thu hút được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước mà còn nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của rất nhiều tài năng trong cả nước; đã thực sự thổi bùng lên ngọn lửa đam mê sáng tạo ở cả 3 miền tổ quốc.

Khởi đầu, Cuộc thi Nhân tài Đất Việt tập trung vào công nghệ thông tin và truyền thông. Những sản phẩm tham dự không chỉ là những ý tưởng mà là những sản phẩm công nghệ thông tin đã hoàn thiện, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi, mang lại những lợi ích cho toàn xã hội.

Bước sang tuổi thứ 5, Cuộc thi chính thức được đổi tên thành Giải thưởng Nhân tài Đất Việt cho xứng tầm với chất lượng nội dung; đồng thời đây cũng là năm đầu tiên, Giải thưởng được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học tự nhiên. Ba nhà khoa học đã vinh dự nhận giải thưởng cao nhất Nhân tài Đất Việt 2009.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng khi năm sau Giải thưởng sẽ được mở rộng sang lĩnh vực Khoa học giáo dục. (Ảnh: Việt Hưng)
Sau khi Hội Khuyến học Việt Nam có đề nghị về việc triển khai Giải thưởng sang lĩnh vực Khoa học Giáo dục, ngày 26/11, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 8427/VPCP-KGVX gửi Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và Bộ Giáo dục đào tạo về vấn đề trên. Theo đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý về nguyên tắc việc mở rộng Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sang lĩnh vực khoa học giáo dục; yêu cầu Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thống nhất quy chế bình xét và tổ chức giải thưởng.

Như vậy, với việc mở rộng sang lĩnh vực khoa học giáo dục, Giải thưởng Nhân tài Đất Việt sẽ tiếp tục phát hiện và tôn vinh những nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học tự nhiên, khoa học giáo dục. Đây không chỉ là cơ hội để những tài năng trong cả nước có thêm "sân chơi", cống hiến sức mình cho đất nước, mà còn là cơ hội để BTC tìm kiếm, phát hiện và tôn vinh nhiều hơn những nhân tài.

5 hình thức xử phạt đối với trường ĐH có sai phạm

(Dân trí)- Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết đến sau 15/12/2009, sẽ công bố chính xác về tình trạng hiện nay của các trường ĐH,CĐ. Theo đó, Bộ đã thông tin một số trường đại học có sai phạm, thiếu sót điển hình mà qua thanh tra đã phát hiện.
Theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT cũng đến 15/12/ 2009 tất cả các trường đại học, cao đẳng trong cả nước phải thực hiện “3 công khai”, trong đó có công khai về nguồn lực của nhà trường (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giáo trình, thư viện...), nếu trường nào không thực hiện sẽ dừng tuyển sinh năm học tới.
Thí sinh tập trung làm bài thi vào đại học 2009

Về 12 trường đại học được thành lập từ sau năm 2005 trở lại đây, qua kiểm tra năm 2007 - 2008 chưa thực hiện đầy đủ các cam kết về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện khác khi đi vào hoạt động. Bộ đã thông tin một số trường đại học đã sai phạm, thiếu sót điển hình phát hiện qua kiểm tra vừa qua như trường Đại học Công nghệ Thông tin Gia Định, TP.HCM đã thành lập và tổ chức tuyển sinh, đào tạo đã nhiều năm nhưng 100% cơ sở vật chất phải thuê mướn, chưa khởi công xây dựng cơ sở vật chất của mình như đã cam kết; Trường Đại học Đại Nam, Hà Nội, chương trình đào tạo xây dựng còn sơ sài, một số môn học chưa xây dựng đề cương chi tiết và tổ chức phê duyệt như quy định; trường Đại học Phan Châu Trinh, Quảng Nam đội ngũ giảng viên vừa thiếu, vừa chưa đảm bảo trình độ như quy định.

Được biết, năm 2009, Bộ đã dừng tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp đối với trường Đại học Hùng Vương vì chưa đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất và đội ngũ nhà giáo; xử phạt vi phạm hành chính, trừ chỉ tiêu tuyển sinh năm sau đối với trường Đại học Văn Hiến vì tiếp tục tuyển sinh vượt chỉ tiêu năm 2009 tới 60%; đối với trường đại học Phan Thiết và trường cao đẳng Công nghệ Bắc Hà đang hoàn thiện thủ tục xử phạt vi phạm hành chính do sai phạm trong tuyển sinh.

Với các trường này, nếu kiểm tra đợt tới vẫn còn sai phạm, Bộ sẽ xử lý theo quy định. Theo đó có 5 mức xử lý như sau:

- Xử phạt hành chính đối với những trường vi phạm hành chính trong công tác tuyển sinh (tuyển vượt chỉ tiêu đã xác định).

- Thu hồi quyết định mở ngành: Các trường không thực hiện đúng cam kết mở ngành, không đảm bảo đủ các điều kiện quy định: đội ngũ giảng viên cơ hữu và thỉnh giảng; vốn đầu tư và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác (chương trình đào tạo, thư viện, giáo trình, trang thiết bị thí nghiệm, ...) phải dừng tuyển sinh của ngành và tiến tới thu hồi Quyết định mở ngành.

- Dừng tuyển sinh: Trường hợp nếu quy mô đào tạo lớn hơn năng lực thực hiện, có thể không vượt quá chỉ tiêu, nhưng trong quá trình đào tạo có sự thay đổi về đội ngũ và làm giảm khả năng đảm bảo chất lượng thì trừ vào chỉ tiêu của năm tiếp sau và thông báo cho cơ sở đào tạo củng cố năng lực. Nếu năm tiếp sau vẫn chưa có đáp ứng phù hợp thì dừng tuyển sinh của năm tiếp theo.

- Thu hồi quyết định thành lập trường: Sau 2 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định thành lập trường, nếu trường không chuẩn bị đủ các điều kiện để đi vào hoạt động như mở ngành đào tạo, tuyển sinh thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét trình Thủ tướng Chính phủ thu hồi quyết định thành lập trường.

- Huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư: Sau ba năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, nếu Ban quản lý dự án không thực hiện được kế hoạch như đã đề ra trong dự án đầu tư về chuẩn bị đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị, huy động vốn đầu tư, đề nghị cấp đất, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất .... thì UBND tỉnh/thành phố sẽ xem xét việc huỷ bỏ Giấy chứng nhận đầu tư.

Thử nghiệm mô hình lớp học không giảng viên

(Dân trí) - Trong một lớp học đại học chỉ có toàn sinh viên mà không hề có giảng viên. Lớp học ở Hàn Quốc nhưng giảng viên lại ở tận nước Mỹ giảng bài thông qua video truyền trực tiếp. Mô hình này đang được thực hiện ở một số trường ĐH xứ Hàn…

Vào một buổi sáng đầu tuần ở trường International Graduate School of English (IGSE) ở nam Seoul (Hàn Quốc), một lớp học gần 50 sinh viên (SV) nhưng không có giảng viên đứng lớp.

Trên màn hình lớn treo trong lớp là hình ảnh một vị giáo sư một trường đại học ở Mỹ. Các SV đang lắng nghe bài giảng trực tuyến dù có nhiều tiếng ồn ào. Đây là mô hình chương trình bài giảng video do trường IGSE hợp tác với trường đại học Hawaii (Mỹ) vừa đưa ra.

Trường IGSE dự định sẽ thực hiện thử chương trình giảng bài trực tuyến này trong sáu tuần. Trường đã mời giáo sư Sandra Mackay ở trường ĐH Hawaii giảng bài về môn học "Những điều cơ bản của việc dạy tiếng Anh".
Sinh viên trường International Graduate School of English (nam Seoul, Hàn Quốc) đang xem video bài giảng của Sandra McKay, giáo sư trường đại học Hawaii (Mỹ). (Ảnh: Korea Times)

Nhờ công nghệ tiên tiến, ngày càng có nhiều trường học ở Hàn Quốc bắt đầu đưa ra mô hình bài giảng trực tuyến do các giáo sư và các nhà học giả nước ngoài thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục cho rằng chương trình này cần tiến hành thận trọng hơn để có thể thành công.

Trường IGSE dự định tăng các khóa học trực tuyến kiểu này, nhưng các SV trong trường phản ứng một cách tiêu cực trước chương trình thử nghiệm. Tân SV Choi Min-seok nói rằng cậu gặp khó khăn trong việc hiểu bài giảng.

"Lúc nào tôi cũng chỉ nghe được phần cuối của bài giảng. Thật là khó để nắm bắt được bài”, Choi phàn nàn. Dường như cậu SV này cũng không rõ mình đã học gì.

Một SV khác là Cho Byung-hwa thì chỉ ra rằng bài giảng video thiếu cảm giác thực tế: "Tôi thích những lớp học mà giảng viên và SV gặp nhau trực tiếp bởi vì như vậy tôi có thể hiểu bài giảng tốt hơn bằng cách nhìn khuôn mặt và các cử chỉ của giảng viên. Thật là khó hiểu bài."

Nữ SV tên Cho Min-na thì nói các SV cần thêm thời gian để quen với mô hình bài giảng từ xa và nói thêm rằng cô rất khó chịu với những tiếng ồn.

"Đó chỉ là lớp học đầu tiên và các SV vẫn còn ngần ngại đặt câu hỏi trong buổi học. Chúng tôi cần biết thêm về giảng viên để chúng tôi có thể tương tác tốt hơn trong buổi học" , Cho Min-na nhận định.

Trong khi đó, giáo sư Lee Byung-min ở trường đại học Quốc gia Seoul cho rằng các trường đại học cần chuẩn bị một hệ thống để SV làm quen với những khác biệt trong mô hình giảng dạy mới.

"Tất nhiên, cách tốt nhất vẫn là có giảng viên thực sự trong các lớp học thực sự. Nếu không còn lựa chọn nào khác, các trường học vẫn cần tổ chức những buổi học mà SV mặt đối mặt với giảng viên đồng thời khuyến khích SV giao tiếp tích cực trong buổi học”, giáo sư Lee Byung-min kết luận.

Học sinh được dạy cách “tránh” nạn buôn bán người

(Dân trí)- Hơn 400 nghìn HS tại các trường THCS và trung tâm học tập Cộng Đồng tại ĐBSCL sẽ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng về di cư an toàn (làm việc xa nhà) để phòng ngừa vấn nạn buôn bán người hiện đang rất nhức nhối tại khi vực này.
Đó là thông tin từ dự án “Phòng ngừa nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân ở Đồng bằng Sông Cửu Long” do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam -Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ & TBXH thực hiện dưới sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (Usaid) khởi động ngày 02/12 tại Hà Nội.
Các em sẽ được trang bị kiến thức tự bảo vệ khỏi nạn buôn bán người. (Ảnh minh hoạ)

Mục đích của dự án là trang bị kiến thức và kỹ năng cho các em học sinh về cách bảo vệ mình trước nguy cơ bị bọn buôn người lừa gạt khi tham gia vào các luồng di cư tìm việc làm ở nội địa cũng như ở ngoại quốc sau tốt nghiệp. Trong khuôn khổ dự án, kiến thức về di cư an toàn sẽ được lồng ghép và tích hợp vào một số bộ môn chính khoá như Giáo dục công dân và Giáo dục Hướng nghiệp trong 60 trường phổ thông (chủ yếu là trường THCS) tại ĐBSCL. Đồng thời, những kiến thức và kỹ năng truyền đạt những vấn đề này cũng sẽ được tích hợp trong một số giáo trình về hướng nghiệp của 2 trường ĐH Cần Thơ và ĐH An Giang.

Được biết, dự án “Phòng ngừa nạn buôn người và hỗ trợ nạn nhân ở ĐB SCL” bao gồm 2 hợp phần quan trọng. Hợp phần thứ nhất là đưa di cư an toàn vào trường học ở cộng đồng các địa phương, hợp phần này phối hợp với Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện. Hợp phần 2 là Xây dựng dự thảo Bộ Quy chuẩn tối thiểu Hỗ trợ và Bảo vệ nạn nhân bị buôn bán trở về. Hợp phần này phối hợp với Bộ Lao động và Thương Binh xã hội.

Hợp phần thứ nhất đã được thí điểm từ năm 2007 tại 68 trường và 17 trung tâm học tâp cộng đồng ở 5 tỉnh miền trung và miền Nam: Nghệ An, Thanh Hoá, An Giang, Cần thơ và Kiên Giang. Qua đợt thí điểm này đã có hơn 60 nghìn thanh thiếu niên được tham gia các hoạt động và tiếp cận thông tin di cư an toàn, phòng ngừa tai nạn buôn bán người. 330 giáo viên, giảng viên và lãnh đạo ngành giáo dục được tập huấn kiến thức và kỹ năng lồng ghép di cư an toàn vào trường học.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Dung, trưởng Phòng Nghiên cứu Công nghệ Giáo dục Tiểu học, trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Giáo dục cho biết: “Có 2 đối tượng cơ sở giáo dục được chọn trong dự án này. Một là trường THCS, sở dĩ chúng tôi chọn cấp học này vì ở các tỉnh đồng bằng sông cửu long, học sinh học hết lớp 8, lớp 9 đã bỏ học đi làm ăn buôn bán mà chủ yếu là di cư đến các vùng xa. Còn đối với các em học sinh phải buộc di cư theo bố mẹ kiếm sống thì thông thường sự học chính quy bị đứt đoạn. Các em chủ yếu học ở các trung tâm học tập cộng đồng nên đó là đối tượng cơ sở giáo dục thứ 2 mà chúng tôi chọn để thực hiện. Dự án này có được một ưu điểm là không ảnh hưởng đến chương trình học của các em ở trường vì hiện tại chương trình cũng đã quá tải! ”.

GS. TS Phan Văn Kha, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, việc tích hợp kiến thức và kỹ năng về di cư an toàn vào trường học là một cách làm hiệu quả.
"Trong thời gian tới, dự án nên mở rộng hướng tích hợp không chỉ vào bộ môn GD công dân, hướng nghiệp tại các trường THCS và TT học tập cộng đồng mà nên đưa cả vào Trung tâm giáo dục thường xuyên. Riêng đối với các trường đào tạo tạo sư phạm thì không chỉ có ĐH An Giang và Cần Thơ mà các trường cao đẳng đa ngành trong đó có ngành sư phạm cũng là một môi trường thuận lợi để đưa vào”, ông Kha đề nghị.

Dự án sẽ kéo dài đến hết tháng 9/2011.

Thi tốt nghiệp 2010, thí sinh không phải ngồi theo ban

Theo dự thảo của Bộ Giáo dục Đào tạo, thí sinh học chương trình chuẩn hoặc nâng cao không bắt buộc phải làm bài thi tốt nghiệp THPT ứng với chương trình đó.

Trong dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT công bố ngày 10/11, có 5 nội dung dự kiến sửa đổi so với Quy chế thi tốt nghiệp hiện hành. Đáng lưu ý nhất là việc bãi bỏ quy định thí sinh học theo chương trình nào (chuẩn hay nâng cao) phải làm phần riêng của đề thi, ứng với chương trình đó.

Thay vào đó, dự thảo sửa đổi như sau: "Đối với các môn thi mà đề thi có phần chung và phần riêng, thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài; nếu làm cả hai phần riêng thì bài làm cả hai phần riêng đều không được chấm".

Như vậy, cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2010 sẽ chỉ gồm hai phần: bắt buộc và tự chọn (không có phần riêng theo chương trình chuẩn và nâng cao).

Ngoài thay đổi về sắp xếp thí sinh, bài thi phúc khảo cũng sẽ được xử lý ngay tại sở GD&ĐT sở tại. Ảnh: Hoàng Hà.

Do có sự thay đổi trong quy định về làm phần riêng của đề thi nên quy định về việc xếp thí sinh theo thứ tự ban (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, ban cơ bản, thí sinh giáo dục thường xuyên) cũng bãi bỏ.

Ngoài ra, dự thảo còn quy định, đơn xin phúc khảo của thí sinh sẽ chỉ xử lý tại sở GD&ĐT chứ không phải chuyển đến hội đồng phúc khảo đã chấm bài thi tự luận như quy định hiện hành. Về nguyên tắc làm việc của hội đồng coi thi, tất cả mọi người tham gia tổ chức thi đều phải được học, nắm vững quy chế; tuyệt đối không được mang theo và sử dụng các phương tiện thu, phát thông tin cá nhân trong khu vực thi khi các buổi thi đang diễn ra.

Lộ đề thi, hàng trăm sinh viên phải thi lại tốt nghiệp

Cả trăm sinh viên khoa quản trị kinh doanh khóa đầu tiên của trường Cao đẳng Nguyễn Tất Thành TP HCM sẽ phải thi lại tốt nghiệp do sự việc lộ đề trong đợt thi tháng 9/2009.

Sự việc xảy ra đối với sinh viên khoa quản trị kinh doanh khóa 2005 - 2008.

Theo phản ánh của nhiều sinh viên thi lại tốt nghiệp lần 3 diễn ra vào ngày 20/10, trước khi thi nhiều thí sinh trong lớp đã có sẵn hai bộ đề thi. Hai bộ đề này được cho là "mua lại" bao gồm cả đề và đáp án.

Cơ sở chính trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP HCM. Ảnh: Hải Duyên

Trước đó kỳ thi tốt nghiệp lần 1 dành cho sinh viên khoa quản trị kinh doanh diễn ra vào 9/2008 và thi lại lần 2 vào tháng 3/2009. Tỷ lệ đậu mỗi lần thi là 26 em trên tổng số 202 sinh viên cả khoa.

"Đêm ngày 19/10 ( thứ 7) một bạn trong lớp mang đến cho em hai bộ đề để nhờ giải và so sánh với đáp án đã có. Lúc đó em không tin là lại có chuyện biết đề trước ngày thi như vậy. Nhưng đến ngày 20/10 đề của các bạn thi đúng 100% một bộ đề mà em đã giải", một sinh viên khoa quản trị kinh doanh đã đậu tốt nghiệp trong lần đầu cho biết.

Theo đại diện nhà trường, đề thi do hai giáo viên thỉnh giảng là thầy Nguyễn Phú Lâm và cô Nguyễn Thị Thùy Linh chịu trách nhiệm. Mỗi giáo viên ra một đề và một trong hai đề sẽ được chọn.

Trao đổi với VnExpress.net Phó hiệu trưởng nhà trường ông Bùi Xuân Lâm cho biết, quy trình ra đề của nhà trường cũng rất chặt chẽ nên khó có thể có chuyện lộ đề. Đề thi được giao cho trưởng khoa thầy Nguyễn Quốc Khanh và cô trưởng phòng đào tạo bốc thăm ngẫu nhiên và trực tiếp sao in, niêm phong ngay trong phòng đào tạo.

Sinh viên làm thủ tục nhập học tại trường cao đẳng Nguyễn Tất Thành. Ảnh: A. K

Ông Lâm cũng thừa nhận trước khi thi đã có nghe thông tin lộ đề và nhà trường đã cho làm lại quy trình ra đề mới. Một trong các bộ đề sẽ được sử dụng cho thi tốt nghiệp lần 3 của sinh viên. Các đề còn lại vẫn được giữ trong ngân hàng đề thi của trường.

Tuy nhiên, ngay sau khi nhà trường đối chiếu bộ đề thi còn niêm phong cũng như đề đã dùng cho sinh viên trong lần thi lại thứ 3 với bộ đề thi sinh viên cung cấp thì phát hiện nội dung hoàn toàn giống nhau.

Sự việc khiến ban giám hiệu nhà trường cũng bối rối. Ban giám hiệu nhà trường cho biết sẽ kiên quyết điều tra và tìm hiểu rõ việc bán đề thi theo phản ánh của sinh viên.

"Chúng tôi nhất định sẽ phải tổ chức cho sinh viên thi lại để đảm bảo công bằng. Chúng tôi cũng xin nhận trách nhiệm về mình và sẽ tìm hiểu đến cùng. Điều này còn có thể còn mang tính hình sự và liên quan đến luật pháp nên phải làm rõ sự thật", ông Lâm nói.

Bộ Giáo dục phớt lờ 'bệnh' lạm thu của các trường

Trong khi sinh viên ĐH Công nghiệp TP HCM phản ánh phải đóng học phí 2,3 triệu đồng một học kỳ... thì báo cáo kiểm tra của Bộ GD&ĐT lại khẳng định, trường này không tăng học phí so với năm học 2008-2009.

Năm học này, sinh viên ĐH Công nghiệp TP HCM bức xúc khi phải đóng học phí 110.000 đồng một tín chỉ hệ đại học và 105.000 đồng một tín chỉ hệ cao đẳng thì đoàn thanh tra của Bộ lại kết luận, trường chỉ thu 70.000 đồng một tín chỉ đại học và 65.000 đồng một tín chỉ cao đẳng, tương đương với 2,4 triệu đồng một năm.

Tuy nhiên, trước thực tế sinh viên của trường phải đóng khoản "phụ phí" 1,6 triệu đồng, Bộ GD&ĐT lý giải, khoản kinh phí hỗ trợ đào tạo này nhằm đảm bảo yêu cầu nâng cao chất lượng khối ngành kỹ thuật. Hơn nữa, ĐH Công nghiệp TP HCM là đơn vị tự chủ tài chính, từ năm 2006 đến nay, hằng năm ngân sách Nhà nước chỉ cấp 12 tỷ đồng (bình quân 260.000 đồng một sinh viên một năm).

Tương tự, dù ĐH Quốc tế Hồng Bàng bị sinh viên phản đối vì tăng học phí cao trong khi cơ sở vật chất không đảm bảo... kết luận kiểm tra không hề nhắc tới các khoản thu này cũng như điều kiện vật chất mà chỉ lưu ý: "Trường chưa công khai mức thu học phí và các khoản đóng góp trên website của trường, chưa xây dựng được cụ thể danh mục đầu tư từ nguồn tăng học phí".

Có tên trong danh sách bị kiểm tra "3 công khai" nhưng ĐH Công nghiệp Hà Nội - một trong những trường công lập thu học phí cao nhất hiện nay - được thanh tra muộn từ 19/10 đến 26/10. Đây là 3 trong số 12 trường đại học được Bộ GD&ĐT kiểm tra đầu năm học này.

Gần đây, trong báo cáo gửi Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thừa nhận, việc kiểm tra chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục ở các trường ĐH, CĐ thuộc các Bộ, ngành khác còn rất hạn chế.

ĐH Công nghiệp Hà Nội và TP HCM đều thuộc sự quản lý của Bộ Công thương.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra các trường đại học do Bộ GD&ĐT tiến hành, việc thực hiện "3 công khai" của các trường còn mang tính hình thức, quy định về "3 công khai" chưa được tổ chức quán triệt trong cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Các trường chưa tính toán được số học phí thực tế là bao nhiêu. Việc thu học phí theo tín chỉ do chưa có quy định của thể nên mỗi trường thu một mức khác nhau...

30 năm chất lượng giáo dục đại học bị 'bỏ ngỏ'

Bộ GD&ĐT thừa nhận, do các trường chưa công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục một cách khách quan, toàn diện, chất lượng đào tạo còn thấp.

Ngày 29/10, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi Chính phủ báo cáo về sự phát triển của hệ thống giáo dục đại học, các giải pháp đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Theo đó, Bộ GD&ĐT thừa nhận, việc thành lập trường, triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới trường ĐH, CĐ còn bộc lộ nhiều hạn chế. Khoảng 20% trường được thành lập mới hoặc nâng cấp lên đại học từ năm 2005 chưa thực hiện đầy đủ cam kết trong đề án khả thi thành lập trường và mở ngành, chưa chuẩn bị đồng bộ về đất đai, giảng viên, vốn đầu tư và điều kiện đảm bảo chất lượng khác.

Ngoài ra, hiện chưa có quy định bắt buộc về kiểm tra thực tế điều kiện cần thiết khi cho phép mở ngành đào tạo và tuyển sinh; chế tài xử lý các trường không thực hiện đúng cam kết chưa đủ mạnh; chưa có quy định các trường phải xây dựng chuẩn năng lực người tốt nghiệp (chuẩn đầu ra) nên chưa có cơ sở đánh giá đúng chất lượng đào tạo. Các trường ĐH, CĐ vẫn tập trung chủ yếu ở 5 thành phố lớn.

Bộ Giáo dục chủ trương thắt chặt tuyển sinh ĐH, CĐ để nâng cao chất lượng. Ảnh: Hoàng Hà.
Hiện, cả nước có 376 trường ĐH, CĐ với hơn 1,7 triệu sinh viên chính quy và 900.000 sinh viên tại chức, từ xa. Ảnh: Hoàng Hà.

Năm 2009, cả nước tuyển sinh hơn nửa triệu sinh viên, gấp 4 lần năm 1997 và 14 lần năm 1987. Còn về quy mô, tổng số sinh viên cả nước là 1,7 triệu em trong khi năm 1997 là hơn 700.000 và năm 1987 là 130.000. Năm 1987, một giảng viên đào tạo bình quân 6,6 sinh viên, năm 2009 một giảng viên đào tạo tới 28 sinh viên. Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. 20 năm qua, số giảng viên có trình độ tiến sĩ chỉ đạt hơn 10%.

Dù đã triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học nhưng Bộ GD&ĐT vẫn phải thừa nhận, quản lý chất lượng giáo dục là khâu yếu nhất hiện nay. Chưa trường nào công bố chuẩn năng lực sinh viên tốt nghiệp nên hiện chưa có đủ cơ sở để đánh giá chất lượng giáo dục của các trường một cách khách quan, toàn diện.

Theo Phó thủ tướng, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nhìn chung chất lượng đào tạo còn thấp, chưa có chuyển biến trên diện rộng, chưa tạo được sự đồng hướng về lợi ích, sự quan tâm đủ mạnh đến chất lượng giáo dục giữa người học, người dạy, nhà đầu tư cho giáo dục, người sử dụng lao động và xã hội.

"Thực tế, gần 30 năm chúng ta chưa thực sự quản lý được chất lượng giáo dục đại học vì chưa có chuẩn đầu ra của các trường; chưa giữ được chuẩn của giáo viên, chương trình, cơ sở vật chất...; chưa có cơ quan chuyên trách quản lý chất lượng; hằng năm chưa có đánh giá thực tế và có báo cáo về chất lượng đào tạo của các trường và cả hệ thống giáo dục đại học", người đứng đầu ngành giáo dục nói.

Thêm vào đó, hiện nay việc quản lý và chịu trách nhiệm của cơ quan nhà nước về các trường đại học, cao đẳng rất phân tán. Phó thủ tướng lưu ý, trong tổng số 376 đại học, cao đẳng trên cả nước, Bộ GD&ĐT chỉ quản lý 54 trường (14%); các Bộ, ngành khác quản lý 116 trường (31%); UBND các tỉnh, thành phố là cơ quan chủ quản của 125 trường (33%); và có 81 trường dân lập, tư thục (22%).

Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần.
Sau 22 năm, số sinh viên tăng 13 lần, số trường tăng 3,7 lần, nhưng số giảng viên chỉ tăng 3 lần. Ảnh: Hoàng Hà.

Bộ GD&ĐT là cơ quan duy nhất được ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giáo dục cấp Bộ nhưng hiện nhiều Bộ, ngành khác cũng như UBND các tỉnh tự ý ban hành các văn bản chồng chéo. Ngoài ra, chưa có quy chế phối hợp giữa Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố về quản lý các trường này.

"Do đó, xét về tổng thể Bộ GD&ĐT chưa thể trả lời được 3 câu hỏi: Chất lượng đào tạo của các trường thế nào? Các trường tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đào tạo thế nào? Hiệu quả đầu tư từ ngân sách cho các trường ĐH, CĐ công lập thế nào?", ông Nhân cho biết thêm.

Báo cáo của Bộ Giáo dục cũng nhấn mạnh, các trường ĐH, CĐ không thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo hàng năm. Kết thúc năm học 2008-2009, 46% số trường không gửi báo cáo. Vì vậy, đến nay Bộ vẫn chưa có cơ sở dữ liệu đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý của các trường ĐH, CĐ.

Quản lý nhà nước về giáo dục đại học còn nhiều trì trệ là nguyên nhân cơ bản của việc chất lượng giáo dục đại học không có cải thiện đáng kể và nếu không có giải pháp kiên quyết, có tính đột phá, chất lượng giáo dục đại học sẽ ngày càng tụt hậu trước đòi hỏi của phát triển đất nước.

Để đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2009-2012, Bộ GD&ĐT đề xuất tổ chức thảo luận trong toàn ngành và xã hội xung quanh chủ đề "Làm gì để đảm bảo và nâng cao chất lượng đào tạo" nhằm không vì tiếp tục phát triển quy mô giáo dục đại học mà lại buông lỏng quản lý chất lượng.

Đồng thời, đổi mới hệ thống quản lý bằng cách hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của nhà trường trước tháng 6/2010; Quy định về phối hợp và phân cấp quản lý giữa Bộ GD&ĐT, các Bộ ngành khác và UBND các tỉnh, thành phố đối với các trường ĐH, CĐ trước tháng 3/2010; Các trường phải xây dựng chuẩn đầu ra cho tất cả các ngành đào tạo trước tháng 12/2010.

Từ năm 2010 mỗi năm cử khoảng 1.000 giảng viên làm tiến sĩ ở trong nước và 1.000 giảng viên làm thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Từ năm học 2009-2010, thực hiện sinh viên tham gia đánh giá giảng dạy của 100% giảng viên. Triển khai xây dựng ký túc xá sinh viên, đảm bảo mục tiêu 60% sinh viên có chỗ ở tại ký túc xá vào năm 2020. Thực hiện thi và xét tuyển vào đại học nghiêm túc...

Sinh viên phải học trong... nhà hàng

Gần 2.000 sinh viên khoa Kinh tế thuộc cơ sở 3 của trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và du lịch Sài Gòn đang phải học trong nhà hàng tiệc cưới Vườn Hồng trên đường Thống Nhất, quận Gò Vấp, TP HCM.

Địa điểm này đã được nhà trường thuê lại phục vụ cho việc giảng dạy từ 3 năm nay.

Cơ sở 3 của trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn được thuê lại từ nhà hàng tiệc cưới Vườn Hồng. Ảnh: Hải Duyên

Một nữ sinh năm thứ 3 khoa Quản trị kinh doanh chia sẻ, năm nào học phí cũng tăng (năm nay lên tới 5,5 triệu đồng), nhưng vẫn phải học trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, phòng học không đạt yêu cầu. Ngoài ra, trường còn thường xuyên thay đổi cơ sở, gây khó khăn cho việc đi lại cũng như sinh hoạt của sinh viên.

"Lớp học của em có quá nhiều cột, ngồi phía dưới không nhìn rõ thầy. Trước kia nơi đây làm nhà hàng nên không có gì che chắn. Giờ bọn em vào học, buổi sáng nắng chiếu vào, phải dồn sang một bên nên rất chật chội. Thực sự có lúc em cảm thấy thiệt thòi vì đây đâu phải là một giảng đường đúng nghĩa để học hành", nữ sinh này than.

Cùng hoàn cảnh, nhiều sinh viên theo học tại cơ sở 4 (đường Phan Huy Ích, quận 12) và cơ sở 5 (Hóc Môn) mệt mỏi vì phải học trong những dãy nhà cấp 4 làm bằng mái tôn khá nóng nực. "Mặc dù phòng có tới hơn 10 chiếc quạt hoạt động hết công suất nhưng vẫn nóng như lò bánh mì. Có phòng không có bục giảng, việc theo dõi bài rất khó và không tập trung", một sinh viên khoa Du lịch ý kiến.

Trao đổi với VnExpress.net, hiệu trưởng Vũ Khắc Chương cho biết, nhà trường đã cố gắng đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phòng học cho sinh viên thực hành từ 3 năm qua. Tuy nhiên, để đạt chuẩn thì chưa thể vì trường không nằm trong hệ thống trường công lập.

"Tôi đồng ý việc thuê nhà hàng làm chỗ học cho sinh viên là chưa đạt yêu cầu. Trường cũng đang cố gắng đến đầu năm 2010 sẽ đầu tư xây mới tại khu cơ sở 4 để đảm bảo chỗ học cho các em", ông Chương nói.

Hiệu phó Hoàng Tâm Sơn cũng thừa nhận đã nghe phản ánh của sinh viên về vấn đề phòng học nóng, điều kiện giảng đường ở các cơ sở chưa đạt yêu cầu. Ông Sơn cho biết: "Khi mới về, tham quan qua nhà trường tôi cũng nhận thấy các phòng học chưa có bục giảng, thầy đứng trên thấp hơn sinh viên ở dưới. Tôi từng đề xuất nên triển khai xây dựng lại phòng học, mở thêm cửa số cho thông thoáng".

Cơ sở 4 của trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn là những nhà tạm lợp tôn. Ảnh: Hải Duyên

Ngoài các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất, sinh viên trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn còn bức xúc về quy định về học Anh văn, vi tính.

Một sinh viên năm nhất cho hay, nhà trường sẽ không dạy môn Anh văn cơ bản, mà chỉ đưa ra yêu cầu mỗi sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phải đạt 350 điểm TOEIC (tương đương với các trình độ IC0 đến IC6). Để có được mức điểm này, mỗi sinh viên phải bỏ ra khoản học phí ít nhất 9 triệu đồng nếu học trong trường.

Trên thông báo của nhà trường có ghi rõ "Điểm thi của từng cấp độ Anh văn TOEIC sẽ được quy đổi thành các điểm học phần môn". Theo đó, những sinh viên theo học TOEIC trong trường sẽ được được quy sang môn Anh văn căn bản. Còn những ai không học thì phải nộp chứng chỉ hoặc bảng điểm TOEIC quốc tế (do viện khảo thí Hoa Kỳ ETS cấp) tại trung tâm TOEIC để quy đổi thành các điểm học phần môn này.

"Em nghĩ, khoản tiền học phí đã đóng cho nhà trường đã phải bao gồm môn Anh văn căn bản và chuyên ngành. Nếu quy đổi thế này, tụi em lại phải đóng thêm học phí cho việc học Anh văn TOEIC", nữ sinh khoa du lịch thắc mắc.

Theo ông Chương, việc học Anh văn cơ bản, Anh văn chuyên ngành và TOEIC được tách biệt rõ ràng và không liên quan gì đến nhau. "Nhà trường không hề quy định như vậy. Thông báo này chắc có sai sót về câu chữ. Tôi cũng chưa đọc qua thông báo này. Nếu đúng như vậy, tôi sẽ kiểm tra lại", hiệu trưởng nói.